Một nghiên cứu mới trên quy mô khổng lồ đã chứng minh những kết quả của một số cuộc nghiên cứu trước đó được tiến hành trong thời gian đại dịch COVID-19 xảy ra trên toàn cầu: các nữ học giả đang phải chịu nhiều ảnh hưởng từ khoảng thời gian “cách ly xã hội”, ít nhất là ở khía cạnh năng suất khoa học.
Thật vậy, chính là yếu tố năng suất khoa học. Trong khi nhiều nghiên cứu khác dẫn chứng các số liệu khác nhau cho thấy rằng các nữ học giả đang có số lượng bài viết công bố ít hơn nhiều so với trước khi đại dịch xuất hiện, nghiên cứu mới này đã chỉ ra một vài điểm khác biệt: trên thực tế, năng suất công bố nghiên cứu của các học giả cả nam và nữ đều đã có sự gia tăng trong một vài tháng đầu tiên của đại dịch, nếu so với cùng kỳ năm 2018 và 2019 - theo số lượng các bài viết được gửi đến các tạp chí khoa học của nhà xuất bản Elsevier. Tuy nhiên năng suất của các tác giả nữ không tăng nhiều như tác giả nam, điều này có nghĩa là các nữ học giả vẫn đang “tụt hậu” so với các đồng nghiệp nam do họ có trách nhiệm phải chăm sóc, quan tâm gia đình nhiều hơn trong thời gian dịch bệnh hoành hành.
Một nghiên cứu được công bố trên Social Science Research Network nhận định: “Dữ liệu của chúng tôi thu thập được từ tất cả các tạp chí của nhà xuất bản Elsevier đã chỉ ra rằng các biện pháp “đóng cửa” và cách ly xã hội đã gây khó khăn cho các học giả nữ song lại mang đến nhiều lợi ích với các nhà nghiên cứu nam. Nếu xét tầm quan trọng của các xuất bản và trích dẫn đối với sự nghiệp và uy tín của các học giả trong môi trường học thuật vô cùng cạnh tranh hiện nay, sự chênh lệch mang màu sắc giới này có thể có những tác động ngắn hạn và dài hạn, cần được các tổ chức học thuật và các nhà tài trợ xem xét và cân nhắc”.
Theo nghiên cứu này, hiện tượng chênh lệch giới tính trên đặc biệt đáng chú ý trong lĩnh vực sức khỏe và y tế, lĩnh vực có năng suất lao động tăng mạnh nhất trong thời kỳ đại dịch. Bài viết trên cho rằng những người phụ nữ đã ở “bên kia sườn dốc” của sự nghiệp là đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng nhất, mà, “điều này về nguyên tắc có thể được lý giải là do nghĩa vụ chăm sóc gia đình của họ ngày càng lớn hơn”.
Đồng tác giả của nghiên cứu, Bahar Mehmani, một nhà vật lý hiện đang làm việc cho nhà xuất bản Elsevier ở Hà Lan cho biết, cô và các đồng nghiệp đã đề nghị hội đồng phản biện “bớt khắt khe đối với việc phải công bố trong mùa dịch COVID, hoặc nếu cần, có thể bỏ qua yêu cầu này”.
Tháng 5 vừa qua, Mehmani và một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã đạt được một thỏa thuận bảo mật với nhà xuất bản Elsevier về việc truy cập các bản thảo và dữ liệu đã được phản biện của toàn bộ 2.347 tạp chí của nhà xuất bản này. Nhờ đó, các nhà nghiên cứu có thể phân tích không chỉ quá trình gửi một bài báo diễn ra như thế nào trong COVID-19, mà còn cả vấn đề năng suất làm việc của khoảng sáu triệu nhà nghiên cứu đã giảm đi ra sao thông qua so sánh tỷ lệ gửi bài viết của họ trước và sau đại dịch.
Nhìn chung, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng có một “cuộc chạy đua trong việc công bố công trình nghiên cứu, đặc biệt là giữa các bài viết có cùng đề tài”. Số lượng bản thảo được gửi đến các tạp chí của Elsevier đã tăng 58% trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 5 năm 2020, so với cùng kỳ năm 2019 - cụ thể là tăng từ 466.846 lên 738.705 bản thảo.
Đặc biệt, trên các tạp chí y tế và sức khoẻ, tỉ lệ gửi bài đã tăng 92%.
Tuy nhiên, về tổng thể, các nam học giả gửi nhiều bản thảo hơn. Phân tích ban đầu cho thấy rằng mặc dù đại dịch mang lại ưu thế cho các học giả nam, song lại có tác động tiêu cực đáng kể đối với các tác giả nữ ở ba trong số bốn lĩnh vực nghiên cứu chính: y tế và sức khoẻ, khoa học vật lý và kỹ thuật, khoa học xã hội và kinh tế. Trong khi đó, lĩnh vực khoa học sự sống (life sciences) dường như không bị ảnh hưởng.
Ngoại trừ trong lĩnh vực khoa học xã hội và kinh tế, các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy những tác động tiêu cực và nhất quán giữa yếu tố giới tính và thâm niên, có nghĩa là các học giả nữ ở cấp trung và cấp cao trong bậc thang sự nghiệp của họ dường như gặp nhiều khó khăn trong việc công bố nghiên cứu hơn so với các nghiên cứu sinh và nhà nghiên cứu không có bằng Tiến sĩ. Từ đó, nghiên cứu đưa ra một giả định dựa trên thực tế rằng những nhà nghiên cứu đã có bằng Tiến sĩ thường đã lớn tuổi và có nhiều khả năng đã có gia đình, do đó họ phải dành nhiều thời gian để chăm sóc gia đình của mình hơn.
Để kiểm tra giả thuyết rằng tác động của yếu tố giới tính và thâm niên có liên quan đến thời kỳ giãn cách và cách ly xã hội, một phân tích chuyên sâu hơn đã sử dụng một nguồn thông tin trung gian về thời kỳ cách ly xã hội ở nhiều quốc gia khác nhau: cụ thể là báo cáo Di động Cộng đồng (Community Mobility Report) của Google, sử dụng phương pháp tiến hành thu thập các dữ liệu về những địa điểm mà mọi người thường đến trong thời kỳ dịch bệnh thông qua vị trí điện thoại. Các nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm đến việc liệu các dữ liệu ở quy mô quốc gia có cho thấy rằng mọi người dành nhiều thời gian ở nhà trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 3 hơn so với tháng 1 năm nay hay không.
Báo cáo trên không có dữ liệu ở một số quốc gia, chẳng hạn như Trung Quốc và Iran. Tuy nhiên, dựa trên quy mô mẫu này (bao gồm cả Hoa Kỳ), các nhà nghiên cứu khi tìm hiểu về các tác giả của những bài báo gửi tới các tạp chí y tế và sức khoẻ, khoa học vật lý và kỹ thuật, đã xác nhận mối liên hệ tiêu cực giữa giới tính và thời gian mọi người dành để ở nhà. Tuy nhiên, các tác giả của các bài viết trên những tạp chí khoa học đời sống lại không có hiện tượng này. Trên thực tế, ở nhóm tác giả này cũng có sự liên hệ giữa hai yếu tố trên nhưng yếu hơn, đặc biệt là tác giả của các bài báo gửi đến các tạp chí khoa học xã hội và kinh tế.
Phân tích trên các nghiên cứu liên quan đến COVID-19 cho thấy các nữ học giả gửi số lượng bài báo liên quan đến COVID-19 thấp hơn nam giới trong năm 2020, đặc biệt là trên các tạp chí y tế và sức khoẻ.
Trong khi đó, tỷ lệ lời mời phản biện được chấp nhận vẫn tương tự như các năm trước, sự khác biệt tối thiểu giữa hai nhóm học giả nam và nữ trên khía cạnh này là không đáng kể.
Ngoài việc mở đường cho sự hợp tác dữ liệu quy mô lớn giữa các nhà xuất bản và các nhà nghiên cứu, nghiên cứu này còn cho thấy các dữ liệu này đã đặt ra yêu cầu “cho các cơ quan tài trợ cùng các uỷ ban tuyển dụng và xúc tiến ở cấp quốc gia, quốc tế phải xem xét lại chính sách của họ”. Việc đánh dấu hoặc “thậm chí bỏ qua các bài viết và các trích dẫn liên quan đến COVID-19 trong việc đánh giá các ứng viên”.
Thật vậy, các nhà nghiên cứu cho biết, “một trong những bài học quan trọng từ đại dịch là cần phải áp dụng các bộ tiêu chí đa chiều trong bất kỳ quá trình đánh giá học thuật nào, nhằm phản ánh trung thực các yếu tố mô tả tiềm năng của một ứng viên với một công việc học thuật hoặc một khoản trợ cấp”. Điều này có thể bao gồm một tuyên bố về tác động của COVID-19, ở đó các ứng viên sẽ miêu tả về những cơ hội và hạn chế mà họ gặp phải trong khoảng thời gian này.
Đồng thời, bài báo lập luận, các tổ chức nên thúc đẩy “một môi trường làm việc đa dạng hơn, toàn diện và bình đẳng hơn" và áp dụng “chính sách lãnh đạo có tính đến các yếu tố gia đình của nhân viên khi lên kế hoạch mở lại các phòng thí nghiệm và viện nghiên cứu".
Để đối phó với đại dịch, nhiều tổ chức đã hỗ trợ cho các giảng viên trẻ kéo dài thêm nhiệm kỳ làm việc của họ. Gần như đa số các nhà phê bình đều cho rằng biện pháp này chưa được thực hiện đủ, dẫn đến tới cùng lại trở thành một đòn trừng phạt các nhà nghiên cứu về mặt tài chính và công việc - thông qua việc trì hoãn thời điểm thăng chức - do hoàn cảnh khách quan ngoài tầm kiểm soát của họ.
Các biện pháp can thiệp thay thế hoặc bổ sung được đề xuất bao gồm mức hỗ trợ nhiều hơn cho những người phải chịu trách nhiệm chăm sóc gia đình, người thân trong đại dịch. Thực tế, có khá ít tổ chức thực hiện điều này. Gần đây, đại học Yale đã thông báo rằng các giảng viên giảng dạy không theo bậc giờ đây đã đủ điều kiện để có thể xin nghỉ phép theo chế độ có con nhỏ có lương trong toàn bộ một kỳ học, tăng so với khoảng thời gian 8 tuần trước đó và gần bằng với thời gian nghỉ phép của các giảng viên hợp đồng và hợp đồng có thời hạn. Tuy nhiên, các giảng viên ở Yale vẫn tiếp tục tìm cách hỗ trợ nhiều hơn cho các nhân viên đã làm cha mẹ đang công tác kể cả khi không có đại dịch. Trước COVID-19, các nhân viên nữ vẫn làm việc “hai ca” ở cả cơ quan và ở nhà.
Naomi Rogers, giáo sư lĩnh vực lịch sử y học và chủ tịch Diễn đàn Phụ nữ của Yale, cho biết nhóm của bà coi biện pháp này “chỉ là một bước, một bước tiến quan trọng trên con đường hướng tới giải quyết nhiều vấn đề xoay quanh việc chăm sóc con cái mà đại dịch chỉ là một tác nhân khiến vấn đề này trở nên rõ ràng hơn". COVID-19 đã “làm bật lên những vấn đề mà nhiều giảng viên và nhân viên của Yale vốn đã phải vượt qua và giải quyết bằng một kiểu quan tâm chắp vá mà trong thời điểm hiện tại hầu như không thể phụ thuộc vào được". Rogers và các đồng nghiệp đang lên kế hoạch tạo ra một cái gọi là “kid-in" trên Twitter, tương tự như một chỗ ngồi ảo, vào cuối tháng này, làm nơi để các nhân viên chia sẻ “những nỗi thất vọng hàng ngày của họ trong việc cân bằng giữa công việc và gia đình".
Đại học California, Los Angeles, cũng đã nói rằng các giáo sư có thể đề nghị giảm bớt công việc để dành thời gian cho việc chăm sóc gia đình. Các giáo sư tại UCLA đã hoan nghênh bước đi đó, nhưng nhiều người cũng yêu cầu trường đại học này cần phải có nhiều giải pháp hơn nữa.
Miriam Posner, trợ lý giáo sư về nghiên cứu thông tin và lĩnh vực nhân văn số tại UCLA và đang là mẹ của hai đứa trẻ, đồng thời cũng là người chỉ trích việc cơ sở giáo dục này không có bất kỳ biện pháp nào hỗ trợ trước thực tế rằng hiện nhiều giáo sư hiện phải dạy con mình học tại ở nhà, đã nhận xét về chính sách mới của nhà trường là “cực kỳ mơ hồ". Theo Posner, chính sách này nói rằng các giáo sư phải tự mình đàm phán về việc giảm tải công việc của họ thế nào. Điều này sẽ khiến những giảng viên trẻ tuổi, đặc biệt là phụ nữ sẽ không thoải mái trong việc xin giảm tải, trong khi họ là đối tượng cần điều này nhất.
Posner nói rằng “tất cả những sự thiếu hỗ trợ này của UCLA với các nhân viên phải chăm sóc gia đình, con nhỏ sẽ là thảm hoạ đối với thế hệ các giảng viên nữ. Mọi người mà tôi biết đều đang gặp khủng hoảng.”
Bill Kisliuk, người phát ngôn của trường, cho hay UCLA đã ban hành bản sửa đổi quy định bổ sung cho những nhân viên phải chăm sóc người nhà hồi tháng trước, trong đó giảm trách nhiệm và nghĩa vụ làm việc của họ trong một học kỳ, bổ sung các điều khoản về linh hoạt trong việc yêu cầu các khoá học để giảng dạy và thời điểm dạy, bố trí giảng dạy với sự hỗ trợ của các sinh viên sau đại học, và giảm một phần công việc giảng dạy mà không bị giao thêm nhiệm vụ trong tương lai.
Bên cạnh đó, Kisliuk chia sẻ, “Các chỉnh sửa về quy định này sẽ có hiệu lực trong hai năm học, bắt đầu từ năm nay,” và rằng “Việc áp dụng các thay đổi này sẽ không ảnh hưởng đến cách thức các bộ phận, trưởng khoa và trường đại học xét duyệt hồ sơ thăng tiến của các ứng viên trong tương lai.”
Alicia S. Modestino, Phó Giáo sư chuyên ngành chính sách công và các vấn đề đô thị, kinh tế tại Đại học Northeastern, đã giúp khảo sát 2.500 phụ huynh đang làm việc trong nhiều lĩnh vực ở Hoa Kỳ và phát hiện ra rằng có tới 13% trong số đó đã mất việc và bị giảm giờ làm chỉ vì phải chăm sóc con cái trong thời gian đại dịch bùng nổ. Một phần tư số phụ nữ mất việc cũng đưa ra lý do trên khi được hỏi về nguyên nhân thất nghiệp của họ.
Theo trang tin The 19th, một trang web chuyên đưa tin về phụ nữ và chính trị, “cuộc suy thoái phụ nữ đầu tiên" của quốc gia này đã trở nên nghiêm trọng hơn bắt đầu từ tháng trước, trong đó số lượng phụ nữ nghỉ việc nhiều hơn số người bắt đầu có được việc làm. Cụ thể, có khoảng 865.000 phụ nữ đã phải nghỉ việc, trong khi đó con số đó ở nam giới chỉ có 216.000 người.
Vân An
Nguồn
Colleen Flaherty. (October 20, 2020).Women Are Falling Behind. Inside Higher Ed