Trong bối cảnh dịch COVID-19 hoành hành và ngày càng lan rộng, chuyển đổi số đã trở thành một phương thức quan trọng nhằm đáp ứng các nhu cầu của con người trên nhiều phương diện, đặc biệt là ở lĩnh vực giáo dục. Rất nhiều học sinh, sinh viên đã không thể đến trường trong suốt một thời gian dài do diễn biến dịch bệnh căng thẳng, bởi vậy việc ứng dụng chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ cấp thiết đối với mỗi quốc gia trên toàn thế giới. Chẳng hạn, vào giữa tháng 3 năm ngoái, chính phủ Hungary đã đóng cửa toàn bộ trường học và trường đại học, thay vào đó các lớp học được tổ chức dưới hình thức trực tuyến. Mặc dù việc học trực tuyến là một giải pháp không mới, nhưng ở Hungary hình thức giảng dạy, học tập này trước đây chưa thực sự phổ biến, do đó các giảng viên cũng như học sinh, sinh viên ở đây đã phải đối mặt với những thách thức mới bên cạnh những ưu điểm vượt trội mà chuyển đổi số mang lại. Và đây cũng là chủ đề được nhóm tác giả đề cập đến ở nghiên cứu công bố trong hội thảo 11th IEEE International Conference on Cognitive Infocommunications – CogInfoCom 2020 (Hội nghị quốc tế IEEE lần thứ 11 về truyền thông nhận thức - CogInfoCom 2020).
Tạp chí Giáo dục trân trọng lược dịch và giới thiệu quý bạn đọc nghiên cứu của nhóm tác giả đến từ Hungary với đề tài Digital Transformation in Education during COVID-19: a Case Study. Mục tiêu của nghiên cứu này là khám phá về những trải nghiệm, cảm xúc và biểu hiện tổng thể của học sinh, sinh viên đối với giáo dục số cũng như những thay đổi trong xã hội hiện nay trước những ảnh hưởng của COVID-19.
Ảnh chụp bài nghiên cứu trên trang IEEE Xplore
Như chúng ta đã biết, chuyển đổi số là một quá trình quan trọng nhằm tích hợp các giải pháp liên quan tới kỹ thuật số vào các hoạt động của đời sống thường nhật. Nó ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác nhau đồng thời đưa ra nhiều hướng tiếp cận sáng tạo, điển hình là việc học tập và giảng dạy trực tuyến trong lĩnh vực giáo dục thời kỳ coronavirus.
Nghiên cứu được thực hiện dựa trên một cuộc khảo sát giữa các sinh viên chuyên ngành Khoa học máy tính và Công nghệ thông tin của Đại học Eszterhazy Karoly (Hungary). Cuộc khảo sát bao gồm 27 câu hỏi, trong đó tập trung vào vấn đề liên quan đến điều kiện kỹ thuật (Technical Conditions), phần cứng được ưu tiên (Preferred Hardware), mối quan hệ của sinh viên (Student Relationships), Quan hệ cá nhân (Personal Contact) và cảm xúc (Emotions). Các phản hồi sau khi thu về, được tác giả xử lý bằng công cụ Python.
Thông qua phân tích và sử dụng các công cụ xử lý nguồn tư liệu, các tác giả cho thấy rằng quá trình chuyển đổi số dưới tác động của COVID-19 diễn ra tuy không mấy suôn sẻ nhưng cũng không tồn tại quá nhiều thách thức. Bên cạnh đó, nhiều sinh viên tham gia khảo sát này chia sẻ rằng họ rất thích giáo dục số và một nửa trong số họ sẵn sàng tiếp tục sử dụng nó trong tương lai. Ngoài ra, nghiên cứu còn đề cập đến việc sinh viên có xu hướng muốn sử dụng máy tính cá nhân trong các buổi tutorial (hướng dẫn), từ đó đã đưa ra một số đề xuất, chẳng hạn, bố trí một môi trường học tập không có máy tính để sinh viên có thể thoải mái sử dụng máy tính cá nhân, họ tin rằng sự thay đổi này sẽ mang đến những cải thiện thành tích đáng kể đối với sinh viên trong các buổi tutorial (hướng dẫn).
Về những thách thức mà các sinh viên phải đối mặt trong quá trình thực hiện chuyển đổi số giáo dục, nghiên cứu đã chỉ ra nguyên nhân chủ yếu mà họ cảm thấy không thích phương pháp này là do các sự cố kỹ thuật. Và các vấn đề kỹ thuật này liên quan đến những điểm không đồng nhất trong môi trường phần mềm và có thể được giải quyết bằng tài liệu hỗ trợ.
Cuối cùng, nhóm tác giả khẳng định việc ứng dụng chuyển đổi số trong giáo dục sẽ gặt hái được nhiều thành công trong tương lai gần và những phản hồi cũng sẽ được tích hợp vào trong các lớp học trực tuyến mà họ đề xuất.
Nguồn
Bence Bogdandy, Judit Tamas, Zsolt Toth (2020). Digital Transformation in Education during COVID-19: a Case Study. 11th IEEE International Conference on Cognitive Infocommunications (CogInfoCom).
Vân An lược dịch