Ảnh minh họa (Ảnh: Internet)
Cử tri đề nghị Chính phủ cần tập trung chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền sớm có biện pháp cụ thể nhằm khắc phục tình trạng trên.
Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết: Nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống được đưa vào giảng dạy xuyên suốt từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông và được quán triệt thực hiện trong các chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong nhà trường. Tuy nhiên, nội dung này trong chương trình môn học và hoạt động giáo dục chủ yếu tập trung phần lớn kiến thức về đạo đức học hàn lâm.
Nhằm khắc phục hạn chế trên, từ năm học 2017 - 2018, Bộ GD&ĐT chỉ đạo các địa phương rà soát, tinh giản những nội dung mới, khó, trùng lặp, vượt quá yêu cầu cần đạt trong chương trình giáo dục phổ thông; rà soát, xây dựng kế hoạch môn học phù hợp với thực tiễn tại địa phương; tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo hướng tăng cường thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn.
Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới ban hành theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDDT, nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống tiếp tục được chú trọng. Cụ thể, trong Chương trình môn Giáo dục công dân đã bổ sung nội dung giáo dục những kỹ năng sống với những kỹ năng cần thiết với học sinh (phòng tránh xâm hại; phòng chống bạo lực gia đình; phòng chống bạo lực học đường; ứng phó với tình huống nguy hiểm; thích ứng với thay đổi); thay thế những kiến thức kinh tế chính trị hàn lâm bằng kiến thức thiết thực với học sinh như: Hoạt động tiêu dùng (tiết kiệm; quản lý tiền; tiêu dùng thông minh…).
Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo xây dựng và đưa vào sử dụng trong nhà trường nhiều bộ tài liệu về giáo dục kỹ năng sống; tổ chức lớp tập huấn về hoạt động giáo dục kỹ năng sống bằng nhiều hình thức cho giáo viên và học sinh để tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục kỹ năng sống trong nhà trường.
Bộ GD&ĐT cho biết: Trong những năm qua, hiện tượng chạy theo thành tích vẫn diễn ra ở một số địa phương. Nhận thức rõ vấn đề này, Bộ GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo thực hiện các giải pháp từng bước khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục và coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của ngành. Cụ thể: Tích cực chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế văn bản không còn phù hợp, dễ dẫn tới bệnh thành tích; tinh giản các cuộc thi để giảm áp lực cho giáo viên, học sinh phổ thông; xây dựng tiêu chí thi đua cụ thể, thiết thực để đánh giá sự tiến bộ của từng tập thể, cá nhân; tăng cường công tác thanh tra, kiểm định đánh giá chất lượng giáo dục của các cấp quản lý giáo dục.