Ngày 15/12/2020, tại Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã diễn ra hội thảo khoa học “Chọn lựa sách giáo khoa lớp 1 theo Thông tư 01/2020/TT-BGDĐT - Thực trạng và giải pháp” trong khuôn khổ thực hiện đề tài “Quan điểm, phương pháp chọn lựa sách giáo khoa trong quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở Việt Nam”. Hội thảo do Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam tổ chức, dưới sự chủ trì của PGS.TS. Trần Kiều - Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam.
PGS.TS. Trần Kiều - Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam
Đến dự Hội thảo, về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo có TS. Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học; TS. Trần Đình Châu - Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban chỉ đạo Đổi mới Chương trình, Sách giáo khoa giáo dục phổ thông; đại diện của Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Về phía Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam có TS. Phan Tùng Mậu, Phó Chủ tịch Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Về phía Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam có PGS.TS. Trần Kiều, Chủ tịch Hội; GS.TS. Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội; PGS.TS. Vũ Trọng Rỹ, Phó Chủ tịch; TS. Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch; Ông Trần Quang Kiểm, Phó Chủ tịch; Bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Chánh Văn phòng. Đến dự Hội thảo còn có đông đảo các nhà khoa học Tâm lý học, Giáo dục học; các chuyên gia giáo dục và đào tạo; Hiệu trưởng một số trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, các cán bộ thuộc Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam…
PGS.TS. Vũ Trọng Rỹ - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam thay mặt nhóm nghiên cứu báo cáo kết quả khảo sát
Sau lời khai mạc và báo cáo đề dẫn của PGS.TS. Trần Kiều, Chủ tịch Hội, PGS.TS. Vũ Trọng Rỹ đã báo cáo kết quả khảo sát thực trạng lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 thuộc 5 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Nghệ An, Thái Nguyên, Hải Dương, Cần Thơ.
Từ báo cáo kết quả khảo sát, PGS.TS. Vũ Trọng Rỹ cho rằng:
1) Vẫn còn một bộ phận giáo viên và cán bộ quản lý chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa của chủ trương thực hiện “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” trong xây dựng và triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Tư duy và thói quen của thời kỳ thực hiện một chương trình, một bộ sách còn khá nặng trong bộ phận đáng kể cán bộ quản lý và giáo viên, ảnh hưởng đáng kể đến việc chọn sách giáo khoa thời gian vừa qua.
2) Trong bối cảnh dư luận xã hội hiện nay thì việc thực hiện “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” là rất khó khăn và dễ dẫn đến biến tướng không đúng ý nghĩa của chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa”.
Sau những phát biểu và đóng góp ý kiến của TS. Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo; GS.TS. Phạm Tất Dong; PGS.TS. Đặng Quốc Bảo,… cùng các đại biểu đến từ các trường trên địa bàn các tỉnh, thành phố thì Hội thảo cũng đã đi đến kiến nghị:
1) Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có văn bản hướng dẫn chi tiết hơn việc thực hiện Thông tư 25, tính hết các tình huống có thể xảy ra trong quá trình chọn sách giáo khoa năm học 2021-2022 và những năm học sau. Cần đảm bảo thời gian cần thiết và đủ các tài liệu (sách giáo khoa, sách giáo viên, sách bài tập) cho Hội đồng làm việc.
2) Các cấp quản lý giáo dục từ Bộ Giáo dục và Đào tạo đến các trường học cần phải đổi mới công tác quản lý chuyên môn trong bối cảnh thực hiện “một chương trình, nhiều sách giáo khoa”, chuyển hẳn từ quản lý dạy học theo sách giáo khoa sang quản lý thực hiện Chương trình nhằm thực hiện được các yêu cầu của chương trình.
3) Các đại biểu tham dự Hội thảo cũng bày tỏ mong muốn chủ đề của Hội thảo hôm nay cần tiếp tục được tổ chức nghiên cứu và triển khai ở cấp độ cao hơn, rộng hơn.
Một số hình ảnh tại Hội thảo: