Ngày nay, công tác lãnh đạo nhà trường ở Việt Nam bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố, trong đó không chỉ bao gồm các vấn đề liên quan đến toàn cầu hoá và hội nhập, những thay đổi trong chính sách của chính phủ, các tư tưởng đến từ phương Tây về lãnh đạo dân chủ...mà còn có những tác động từ văn hoá, tư tưởng truyền thống, đặc biệt là Nho giáo. Và đây cũng là chủ đề được nhóm tác giả đề cập đến ở nghiên cứu công bố trong cuốn Encyclopedia of Educational Philosophy and Theory (chủ biên Michael A.Peters, nhà xuất bản Springer, Singapore) (https://doi.org/10.1007/978-981-287-588-4_248).
Tạp chí Giáo dục trân trọng lược dịch và giới thiệu quý bạn đọc nghiên cứu của nhóm tác giả đến từ Hồng Kông và Việt Nam với đề tài “Tư tưởng Nho giáo và công tác lãnh đạo nhà trường ở Việt Nam” (Confucian Values and Vietnamese School Leadership).
Hình 1. Ảnh trang bìa cuốn sách Encyclopedia of Educational Philosophy and Theory
Nho giáo là một trong những học thuyết triết học và chính trị xã hội lớn nhất trong lịch sử triết học của Trung Quốc. Trong xã hội Việt Nam đương đại, mặc dù dấu ấn của nền văn minh Trung Hoa và tư tưởng Nho giáo đã dần suy yếu, tuy nhiên các giá trị cốt lõi của Nho giáo vẫn hiện hữu, hằn sâu vào đời sống xã hội. Và giáo dục cũng không nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng này. Thông qua việc khái quát các giá trị cơ bản của Nho giáo cũng như những tác động đối với xã hội Việt Nam hiện thời, các tác giả đã nhận thấy công tác lãnh đạo trường học ở Việt Nam mang dấu ấn tư tưởng này; từ đó, tiến hành nghiên cứu cách thức mà các nhà giáo dục áp dụng Nho giáo vào trong công việc quản lí nhà trường.
Hình 2. Ảnh chụp bài nghiên cứu trên trang Springer Link
Theo nhóm tác giả, quan hệ thứ bậc trong Nho giáo ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành các khung hành vi và phương thức lãnh đạo trong các trường học Việt Nam. Cụ thể, các thành viên thuộc nhà trường sẽ được gắn vào một mạng lưới các mối quan hệ thứ bậc với các vai trò như lãnh đạo, giáo viên lớn tuổi, giáo viên trẻ và học sinh. Những vai trò đặc biệt ấy sẽ được xác định trách nhiệm, nghĩa vụ, cũng như hành vi “đúng đắn” cần thiết để xây dựng và duy trì mối quan hệ hài hoà với người khác. Nghiên cứu cho hay, dưới góc nhìn của hệ tưởng Nho giáo, quyền lực có mối liên hệ mật thiết với vai trò và vị trí của mỗi cá nhân, bởi vậy khái niệm bình đẳng chỉ tồn tại trong mối quan hệ giữa các đồng nghiệp cùng vị trí và tuổi tác chứ không có trong mối quan hệ giữa lãnh đạo và giáo viên hoặc giữa các thế hệ thành viên khác nhau trong nhà trường. Do đó, văn hoá học đường bị ràng buộc bởi các chuẩn mực truyền thống về thứ bậc. Các nhà lãnh đạo cũng như giáo viên đều tin rằng những người có vị trí cao hơn sẽ có quyền đòi hỏi sự phục tùng tuyệt đối của người ở vị trí thấp. Theo đó, thể hiện sự tuân thủ là nghĩa vụ cơ bản của cấp dưới, đồng thời giúp đỡ và phát triển nhân viên là nhiệm vụ quản lí của lãnh đạo nhà trường.
Ngoài ra, các giá trị về thứ bậc còn tồn tại trong mối quan hệ giữa các nhà lãnh đạo và giáo viên lớn tuổi. Các nhà quản lí giáo dục được tôn trọng bởi vị trí và quyền hạn, trong khi các giáo viên lớn tuổi lại được tôn trọng bởi tuổi tác, bất kể vị trí của họ. Các đặc điểm này định hình các chiến lược xây dựng mối quan hệ và tác động đến việc lựa chọn các phương pháp quản lí xung đột. Các nhà lãnh đạo sẵn sàng chỉ trích trực tiếp các giáo viên trẻ và sử dụng vị thế của mình để buộc họ làm theo chỉ đạo. Tuy nhiên, họ lại cảm thấy không thoải mái khi chỉ trích những giáo viên lớn tuổi. Do vậy, các nhà lãnh đạo thường thể hiện quyền lực đối với các giáo viên lớn tuổi thông qua cách tiếp cận thuyết phục thay vì ép buộc.
Mức độ kiểm soát cao của các hệ thống giáo dục quan liêu lớn cũng củng cố tư tưởng truyền thống của việc tôn trọng quyền lực ở Việt Nam. Nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục tập trung, các trường học sẽ phải hoạt động theo chỉ định và công việc của hiệu trưởng thường liên quan đến việc thực hiện các quyết định do Bộ Giáo dục hoặc các cấp thấp hơn như Sở, Phòng đưa ra. Cấu trúc hình tháp vốn có của cơ chế truyền thống khiến các nhà lãnh đạo trường học ít có cơ hội để xem xét các chính sách của chính phủ hoặc từ chối các quyết định của cấp trên. Các cách thức lãnh đạo như trên được gọi là “tập trung quyền lực", có đặc điểm bao gồm chỉ đạo từ trên xuống dưới, tôn trọng thâm niên và chấp nhận sự khác biệt lớn về quyền lực cũng như địa vị giữa lãnh đạo và giáo viên.
Cuối cùng, các tác giả khẳng định làm gương tốt là một phần không thể thiếu trong việc thực hiện quyền lãnh đạo. Các nhà lãnh đạo được kì vọng sẽ trở thành tấm gương trong công tác quản lí, đồng thời đặt ra các tiêu chuẩn đạo đức và quy tắc làm việc để cấp dưới có thể tuân theo. Thêm vào đó, nhà lãnh đạo lí tưởng phải là người truyền cảm hứng cho cấp dưới, khuyến khích họ thực hiện công việc có trách nhiệm và tránh những hành động sai lầm. Và để làm được điều đó, các nhà lãnh đạo cần cố gắng không ngừng nhằm thể hiện năng lực bản thân. Bằng cách ấy, họ có thể truyền cảm hứng cho cấp dưới thi đua và đặt niềm tin vào họ./.
Tài liệu tham khảo:
Walker, A., & Truong, T. D. (2017). Confucian Values and Vietnamese School Leadership. Encyclopedia of Educational Philosophy and Theory, 224–229. DOI: https://doi.org/10.1007/978-981-287-588-4_248.
Vân An