Hoàn thiện quy chế để ngày càng thuận lợi, minh bạch, công bằng trong tuyển sinh đại học

Hoàn thiện quy chế để ngày càng thuận lợi, minh bạch, công bằng trong tuyển sinh đại học

Trong những năm qua, công tác tuyển sinh đại học đã có nhiều đổi mới, ngày càng hoàn thiện hơn nhằm hướng đến mục tiêu tạo điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất cho thí sinh, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội đồng thời giúp các trường tuyển được những thí sinh tốt nhất.

Thí sinh dự thi Tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: PV

Tạo cơ hội tốt nhất cho người học

Nhìn lại 9 năm đổi mới tuyển sinh, từ năm 2015 đến nay, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thuỷ đề cập tới 8 vấn đề đổi mới. Đó là, đổi mới tổ chức thi để xét tuyển, phương thức xét tuyển; đổi mới đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển; đổi mới ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng; đổi mới trong quy định về ngưỡng đảm bảo chất lượng; đổi mới trong quy trình xét tuyển và lọc ảo; đổi mới về cơ sở dữ liệu; đổi mới về chỉ tiêu tuyển sinh và một số điểm đổi mới khác như đề án tuyển sinh, xác nhận nhập học, nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến, xác nhận nhập học trực tuyến…

Cụ thể, nếu năm 2015, gần như cả nước xét tuyển dựa trên điểm kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông thì hiện nay đã có khoảng 10 kỳ thi riêng được các cơ sở giáo dục tổ chức như kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, kỳ thi Đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội, kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Sư phạm Hà Nội, kỳ thi riêng của khối trường thuộc Bộ Công an… Điểm các kỳ thi này được nhiều trường khác sử dụng để xét tuyển. Bên cạnh đó, các trường cũng phối hợp nhiều phương thức tuyển sinh như xét tuyển dựa trên học bạ, theo chứng chỉ quốc tế…

Để đảm bảo chất lượng tuyển sinh cho những ngành đặc thù là sư phạm và nhóm ngành sức khoẻ, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã ban hành quy định về việc có ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào riêng cho các nhóm ngành này. Bộ cũng điều chỉnh về điểm cộng ưu tiên theo hướng giảm dần mức điểm cộng với thí sinh điểm cao để đảm bảo sự công bằng hơn với các thí sinh khu vực thành phố…

Đặc biệt, việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển sinh đại học đã mang lại nhiều thuận lợi cho thí sinh và các trường, giảm áp lực, tiết kiệm thời gian. Việc thí sinh có thể đăng ký xét tuyển đại học trực tuyến và không giới hạn số lượng nguyện vọng, số lần điều chỉnh đăng ký giúp thí sinh có thêm nhiều cơ hội xét tuyển. Bộ cũng đổi mới quy trình lọc ảo, trong đó tích hợp dữ liệu học bạ bậc trung học phổ thông của thí sinh, dữ liệu điểm các kỳ thi riêng, tích hợp tất cả các phương án tuyển sinh các trường và dữ liệu của thí sinh trên hệ thông tuyển sinh chung giúp thí sinh giảm bớt thủ tục đăng ký xét tuyển khi chỉ cần đăng ký theo ngành/chương trình đào tạo, không cần đăng ký theo tổ hợp và phương thức xét tuyển nhưng lại tăng cường được tối đa cơ hội trúng tuyển. Thí sinh cũng không phải nộp minh chứng về lịch sử thường trú để cộng điểm ưu tiên khu vực. Việc đăng ký xét tuyển, nộp lệ phí xét tuyển thực hiện hoàn toàn bằng hình thức trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia. Việc xử lý nguyện vọng chung trên hệ thống xét tuyển đã giảm được tình trạng thí sinh ảo, giúp các trường rút ngắn thời gian xét tuyển đồng thời tạo điều kiện cho thí sinh có cơ hội trúng tuyển theo nguyện vọng thí sinh yêu thích, mong muốn nhất trong số các nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển. Việc ứng dụng công nghệ cũng cho phép thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến, nộp lệ phí xét tuyển trực truyến, rà soát thông tin trực tuyến.

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thuỷ, tất cả những đổi mới trong công tác tuyển sinh 9 năm qua đều hướng tới mục tiêu là công tác tuyển sinh ngày càng thuận lợi, minh bạch, công bằng, tạo cơ hội cao nhất người học; các cơ sở đào tạo vừa đảm bảo tinh thần tự chủ nhưng cũng nâng cao chất lượng.

Nếu như năm 2015, số thí sinh nhập học đại học chính quy là 400.163 thí sinh thì năm 2023, con số này là 546.686. Có 3 năm 2016, 2017, 2018 số thí sinh nhập học chính quy dưới 400 nghìn; có 3 năm trên 500.000 là các năm 2021, 2022, 2023.

Đánh giá kết quả tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2023 cho thấy tính theo 6 vùng kinh tế, tỉ lệ nhập học đại hoc, cao đẳng/số thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông như sau: Vùng Trung du và miền núi phía Bắc 40,28%; vùng Đồng bằng sông Hồng 64,44%; vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung 52,65%; Tây Nguyên 48,56%; Đông Nam Bộ 64,24%; Đồng bằng sông Cửu Long 52,45%.

Báo cáo tuyển sinh năm 2023 cũng thống kê 10 tỉnh/thành phố có tỉ lệ nhập học đại học chính quy cao nhất và 10 tỉnh thấp nhất. Trong đó đứng đầu trong 10 địa phương cao nhất là Bình Dương với tỉ lệ nhập học đại học năm 2023 là 80,61%, đứng cuối trong 10 địa phương thấp nhất là Sơn La với tỉ lệ 25,79%.

Công tác tuyển sinh năm 2024 cơ bản được giữ ổn định như năm 2023 khi không thay đổi quy chế tuyển sinh, tiếp tục điều chỉnh về mặt kỹ thuật theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh và hướng tới mục tiêu đảm bảo khách quan, công bằng, bình đẳng, giúp tiết kiệm nguồn lực xã hội, đồng thời đánh giá đúng năng lực của thí sinh vào các ngành đào tạo, ngày càng minh bạch hơn về nguồn tuyển và chất lượng nguồn tuyển.

Việc thực hiện chuyển đổi số trong toàn hệ thống và ở tất cả các khâu trong tuyển sinh là một điểm sáng, mang lại lợi ích lớn cho người học, thí sinh và người dân, đồng thời giảm chi phí cho toàn xã hội. Quy trình tuyển sinh tiếp tục được cải tiến, đảm bảo tính khoa học và hiệu quả, từ việc áp dụng công nghệ thông tin đến việc nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ thí sinh. Các đơn vị liên quan đã nỗ lực nâng cao chất lượng tuyển sinh, từ việc tư vấn, hướng dẫn thí sinh đến việc xử lý thông tin nhanh chóng, chính xác, xử lý rủi ro cho thí sinh. Với các nỗ lực đó, năm 2024, số thí sinh xác nhận nhập học là trên 551.000 em, chiếm tỷ lệ 81,87% so với tổng số thí sinh trúng tuyển đợt 1, tăng gần 57.000 em so với năm 2023.

Tiếp tục đổi mới, “siết” tuyển sinh sớm

Dù đã đạt nhiều kết quả tích cực nhưng theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thuy Thuỷ, công tác tuyển sinh vẫn còn một số hạn chế, đặc biệt là việc các trường tự chủ tuyển sinh với xu hướng đa dạng hoá phương thức xét tuyển dẫn đến việc có quá nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau. Theo thông kế của Vụ Giáo dục Đại học, hiện các trường có trên 20 phương thức tuyển sinh khác nhau. Theo bà Nguyễn Thu Thuỷ, thực trạng này gây nhiễu thông tin cho thí sinh, không đảm bảo công bằng giữa các phương thức xét tuyển. Nhiều phương thức xét tuyển không có hoặc rất ít thí sinh đăng ký dẫn tới kém hiệu quả. Nhiều cơ sở đào tạo chưa phân tích tương quan, đánh giá đối sánh kết quả học tập của sinh viên theo các phương thức.

Năm 2023, số lượng thí sinh nhập học theo phương thức xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông chiếm cao nhất với tỷ lệ 49,45%. Tiếp theo là phương thức xét kết quả học tập bậc trung học phổ thông chiếm 30,24%. Thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy 2,57%. Các phương thức khác (bao gồm 12 phương thức) chỉ chiếm 14,10%.

Năm 2023, số cơ sở đào tạo xét tuyển sớm là 214 trên tổng số 322 cơ sở. Số thí sinh trúng tuyển tuyển sớm 375.517 em. Số nguyện vọng trúng tuyển sớm 1.268.232. Số thí sinh có trúng tuyển sớm sau lọc ảo 301.849 em.

Việc các cơ sở đào tạo thực hiện tuyển sinh theo nhiều phương thức gây khó khăn cho thí sinh trong quá trình lựa chọn; phương thức xét tuyển sớm và sự công bằng, khách quan giữa các phương thức xét tuyển, giữa các cơ sở đào tạo vẫn chưa hoàn toàn được khắc phục trong mùa tuyển sinh 2024.

Theo đó, tại Tại Hội nghị Giáo dục đại học năm 2024 do Bộ GDĐT tạo tổ chức, một trong những nhiệm vụ được ngành giáo dục đặt ra trong mùa tuyển sinh năm 2025 là hoàn thiện và công bố kịp thời các phương thức tuyển sinh, khắc phục triệt để vấn đề thiếu công bằng, tin cậy trong các phương thức, tiêu chí xét tuyển; bảo đảm phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đồn thời có tác động tích cực tới hoạt động dạy và học trong giáo dục phổ thông.

Kiến nghị giải pháp cụ thể, Phó giáo sư Trần Thiên Phúc, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng Bộ GDĐT nên xem xét bỏ phương thức tuyển sinh sớm/xét tuyển sớm. Theo ông Phúc, thời điểm xét tuyển sớm, các học sinh vẫn chưa hoàn thành chương trình đào tạo trung học phổ thông, chưa đủ điều kiện để trúng tuyển đại học. Bên cạnh đó, một số tư vấn viên của các trường khi tư vấn tuyển sinh đã đề nghị hoặc yêu cầu các học sinh phải đăng ký các nguyện vọng xét tuyển sớm lên đầu dẫn đến thiếu sự công bằng và làm mất cơ hội của thí sinh. Ông Phúc cũng cho rằng, việc đưa ra nhiều phương thức xét tuyển rồi chia phần trăm khác nhau cho từng phương thức là không có cơ sở, gây mất công bằng cho thí sinh xét tuyển ở các phương thức khác nhau.

Phát biểu tại hội nghị về vấn đề này, Bộ trưởng GDĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh các trường đại học nâng cao tinh thần tự chủ nhưng cũng cần phải có trách nhiệm hơn đối với giáo dục phổ thông. Theo Bộ trưởng, việc xét tuyển sớm có những tác động tiêu cực đối với giáo dục phổ thông ở những giai đoạn cuối cùng của cấp học này do khi đã có kết quả trúng tuyển đại học sớm các em sẽ không học nữa. Bên cạnh đó, việc các trường dành nhiều chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển sớm để tuyển đủ chỉ tiêu dẫn đến số chỉ tiêu dành cho phương thức khác rất ít, đẩy điểm chuẩn lên cao, tạo ra sự bất công bằng vào đại học cho các thí sinh, đặc biệt là vào các trường tốp đầu.

Theo đó, Bộ trưởng khuyến nghị các trường không nên có quá nhiều phương thức xét tuyển, càng đơn giản càng thuận lợi cho thí sinh và xã hội. Bộ trưởng cho hay sẽ cân nhắc để có định hướng điều chỉnh công tác tuyển sinh đại học năm sau. "Tự chủ là tự chủ trong khuôn khổ các quy định và vì việc này, có thể Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phải tăng thêm một số khung/chế tài để điều tiết,” Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Thái Bình