Tạp chí Nature thông báo thỏa thuận truy cập mở đầu tiên

Thỏa thuận này sẽ cho phép các nhà nghiên cứu ở Đức xuất bản các nghiên cứu của mình với quyền truy cập mở - tuy nhiên những người phản đối cho rằng cái giá phải trả cho quyết định trên sẽ không hề nhỏ.

Nhà xuất bản Nature đã đồng ý thỏa thuận đầu tiên, trong đó cho phép một số nhà nghiên cứu xuất bản các nghiên cứu của mình theo các điều khoản truy cập mở (OA) trên tạp chí Nature và 33 tạp chí khác trong Nature.

Các nghiên cứu xuất bản trên Nature và các tạp chí trực thuộc đều yêu cầu người đọc phải trả tiền để truy cập, mặc dù trước đó, các tạp chí này đôi khi cũng cho phép truy cập mở một số bài viết nhất định. Tuy nhiên, tháng 4 vừa qua, nhà xuất bản Springer Nature tuyên bố rằng họ sẽ thực hiện lộ trình xuất bản các nghiên cứu dưới các điều khoản truy cập mở trên các tạp chí có tính chọn lọc cao nhất của họ, tuân thủ theo quy định của Plan S. 

Thư viện số Max Planck Digital Library (MPDL) tại Munich, Đức đã lần đầu tiên đàm phán thành công một thoả thuận như vậy, bắt đầu có hiệu lực từ năm 2021. Thỏa thuận trên được công bố vào ngày 20/10 vừa qua, sẽ được triển khai tại 120 trường đại học và cơ sở nghiên cứu của Đức trước đó đã đăng ký và đặt mua các tạp chí thuộc Nature. Cơ sở đầu tiên đăng ký là Hiệp hội Max Planck, một hiệp hội lớn gồm các viện nghiên cứu tại Đức, dẫn theo lời ông Ralf Schimmer, Trưởng Ban Thông tin tại MPDL. Chỉ các bài nghiên cứu có tác giả liên hệ đến từ các cơ sở nghiên cứu tham gia mới được cấp quyền truy cập mở. Từ những kinh nghiệm trong quá khứ có thể thấy, sẽ có khoảng 400 bài nghiên cứu trong năm 2021 của tất cả các cơ sở nghiên cứu của Đức đủ điều kiện để áp dụng thỏa thuận này - tương đương khoảng 3,5% số bài viết trên các tạp chí thuộc hệ thống Nature.

Theo thoả thuận có thời hạn 4 năm trên, các trường đại học và cơ sở nghiên cứu tham gia sẽ trả một khoản kinh phí cho việc đọc và xuất bản các bài báo truy cập mở trên 34 tạp chí, cùng với quyền truy cập các bài báo của 21 tạp chí thuộc nhóm Nature Reviews. Kinh phí cho thỏa thuận này là 9.500 euro (khoảng 11.200 USD) mỗi bài báo. Con số này cao hơn mức phí dành cho các bài báo truy cập mở của các tạp chí khác, vốn chỉ ở mức dưới 6.000 USD.

Schimmer cho rằng đây là một mức giá “rất hấp dẫn”. Nhưng ông cũng thừa nhận rằng giá trên mỗi bài viết như vậy là “cao chưa từng có tiền lệ”. Dù vậy, ông cũng cho rằng đây “không phải là vấn đề” bởi các trường đại học thường không xuất bản nhiều bài viết trên các tạp chí trên, nếu so với số lượng bài báo họ đăng trên những tạp chí ít chọn lọc hơn. Cùng với đó, “chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần sẽ đón nhận những bình luận tiêu cực về mức giá này,” ông cho biết.

Một số người ủng hộ quyền truy cập mở đã lên tiếng chỉ trích thỏa thuận này. “Những thoả thuận trong đó yêu cầu chi trả những khoản tiền lớn một cách quá đáng để xuất bản các bài viết truy cập mở trên những tạp chí danh tiếng sẽ không đóng góp được chút nào tới việc cải thiện khả năng tiếp cận và tính công bằng của hệ thống xuất bản học thuật, và chỉ đơn thuần cho thấy rằng việc gì cũng có thể làm được miễn là bạn trả đủ tiền,” Jeroen Bosman và Bianca Kramer, hai nhà nghiên cứu về truyền thông học thuật làm việc tại thư viện của Đại học Utrecht, Hà Lan, phát biểu qua email.

Springer Nature tuyên bố trong một thông cáo báo chí rằng mức giá xuất bản mỗi bài viết do họ đưa ra cao hơn so với những tạp chí với mức độ chọn lọc thấp hơn là bởi công sức mà các nhân viên của họ phải bỏ ra cho mỗi bài công bố nhiều hơn, cũng như tỉ lệ từ chối cao của các tạp chí này. (Các cơ sở nghiên cứu ở Đức phải chi trả khoảng 2.750 euro phí đọc và xuất bản cho mỗi bài viết truy cập mở trên các tạp chí của Springer Nature, theo thông báo được đưa ra hồi tháng 1). Chỉ có khoảng 8% số lượng bản thảo gửi đến Nature và các tạp chí khác thuộc Nature được xuất bản, và 60% thời gian làm việc của các biên tập viên ở đây được dùng để đánh giá các bài viết mà cuối cùng sẽ không được xuất bản, theo tuyên bố của Springer Nature. Điều này làm gia tăng sử dụng chi phí đầu tư vào các mảng báo chí và các nội dung liên quan, bên cạnh chi phí cho mảng nghiên cứu.

Nhà xuất bản này cũng cho rằng thỏa thuận này “nhiều khả năng sẽ không phù hợp với mọi nhà tài trợ và tập đoàn”, và rằng họ đang “phát triển thêm các lựa chọn với các bài viết truy cập mở” dành cho các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới có ý định gửi bài trong khoảng thời gian từ tháng 1 năm 2021 trở đi; thông tin này sẽ được công bố vào cuối năm. Vào tháng 6 vừa qua, Springer Nature đã ký một thỏa thuận OA lớn với hệ thống Đại học California (UC), nhưng không bao gồm nhóm tạp chí Nature. Tuy nhiên nhà xuất bản này đã cam kết sẽ khảo sát việc xuất bản các bài viết truy cập mở của các tác giả đến từ UC trên nhóm các tạp chí trên, bắt đầu vào năm 2022.

Jeff MacKie-Mason, một nhà kinh tế học và thủ thư tại đại học UC Berkeley, đồng chủ tịch nhóm đàm phán của các nhà xuất bản UC, cho biết thỏa thuận MPDL là “một bước đi tốt, nhưng chúng tôi chờ đợi nhiều tiến triển hơn nữa. Chúng tôi hiểu rằng mô hình xuất bản của Nature tốn kém nhiều chi phí hơn, nhưng ngành xuất bản học thuật cần thay đổi cách họ lựa chọn và xuất bản những bài báo uy tín nhất để hỗ trợ các tác giả và cơ sở nghiên cứu của họ.”

Từ khi một số nhà tài trợ nghiên cứu yêu cầu các bài báo thực hiện trên nguồn kinh phí của họ phải được để truy cập mở ngay sau khi công bố, các nhà xuất bản đứng sau những tạp chí uy tín và chọn lọc cao, chẳng hạn như Nature, Science và Cell, đã tìm cách chuyển từ tính phí người đọc sang tính phí các nhà nghiên cứu và các mô hình xuất bản truy cập mở. Schimmer cho biết, thỏa thuận MPDL được xây dựng nhằm giúp Springer Nature đạt được mục tiêu duy trì khoản thu nhập mà đáng ra họ có được từ những người đọc đăng ký theo dõi trong vòng 4 năm tới, trong đó tính cả các tạp chí mới sẽ được ra mắt trong tương lai bao gồm cả các tựa game mới mà hãng sẽ ra mắt. Nếu có nhiều cơ sở nghiên cứu tham gia vào thỏa thuận này, chắc chắn sẽ có những cơ sở phải trả mức phí cao hơn những cơ sở khác, tuỳ thuộc vào số lượng bài báo họ xuất bản. Chẳng hạn, Hiệp hội Max Planck nhiều khả năng sẽ xuất bản lượng bài báo cao hơn mọi cơ sở nghiên cứu khác của Đức, và do đó sẽ có mức tăng chi phí xuất bản cao nhất - khoảng 20% ​​mỗi năm nếu tính theo mức phí của thoả thuận với Springer Nature, ông cho biết.

Robert Kiley, điều phối viên của cOAlition S, nhóm các nhà tài trợ ủng hộ Plan S, cho biết phí xuất bản 9.500 euro là quá cao. Ông nói thêm rằng cOAlition S đã phát triển một chương trình công tác minh bạch, giúp các nhà nghiên cứu nhận tài trợ xác định liệu mức phí xuất bản có phù hợp với những dịch vụ họ được hưởng hay không. Tuy vậy, Kiley, đồng thời cũng là trưởng bộ phận nghiên cứu mở tại Quỹ Nghiên cứu y sinh Wellcome có trụ sở tại London, Anh cũng nhận định rằng “thật tốt khi chứng kiến các tạp chí thuộc Nature phát triển các phương án xuất bản cho phép các bài nghiên cứu được cung cấp miễn phí cho tất cả mọi người ngay tại thời điểm xuất bản”.

Hiệp hội vì sự tiến bộ của Khoa học Hoa Kỳ, nhà xuất bản của các tạp chí của Science, cũng tuyên bố họ đang nghiên cứu một mô hình truy cập mở khác. Cách tiếp cận của mô hình này sẽ cho phép các tác giả đăng tải bản thảo đã được chấp nhận đăng của họ lên một kho lưu trữ trực tuyến, cùng thời điểm xuất bản bài báo. Nhà xuất bản này đã chấp thuận cách làm trên từ năm 2013, tuy nhiên không tuân thủ quy tắc của Plan S, vốn yêu cầu bản thảo bài viết phải được chia sẻ theo giấy phép mở để cho phép mọi người có thể phân phối lại hoặc chuyển thể tác phẩm gốc một cách tự do.

Vân An lược dịch

Nguồn:

Richard Van Noorden. (October 20, 2020). Nature journals announce first open-access agreement. Nature 

Lưu ý: Những quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục

Bạn đang đọc bài viết Tạp chí Nature thông báo thỏa thuận truy cập mở đầu tiên tại chuyên mục Xuất bản khoa học của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19