Điểm sách: “Công bố khoa học giáo dục theo hướng tiếp cận quốc tế”

Cuốn sách được xuất bản năm 2020, do NXB Giáo dục Việt Nam phát hành bao gồm 14 chương, đề cập đến các vấn đề cơ bản và cập nhật nhất mà bất kỳ nhà nghiên cứu trẻ nào cũng phải biết và phải thành thạo.

Hội nhập quốc tế trong công bố khoa học là một trong những xu hướng nổi bật nhất diễn ra ở Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục đại học và nghiên cứu những năm gần đây. Biểu hiện quan trọng nhất của xu hướng này là việc ngày càng có nhiều quy định mới, theo đó, nhà khoa học được yêu cầu phải có công bố đăng trên các danh mục được chỉ mục ISI hay Scopus. Tiêu biểu có thể kể đến việc đưa Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia NAFOSTED đi vào hoạt động, quy định mới về đào tạo tiến sĩ ban hành kèm theo Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT (Bộ GD-ĐT, 2017) hoặc quy định mới về bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư, ban hành kèm theo Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg (Thủ tướng Chính phủ, 2018). Bên cạnh các nỗ lực kể trên từ phía Chính phủ, cũng không thể không nhắc đến các chính sách khuyến khích công bố quốc tế và xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh đang được triển khai tại nhiều trường đại học trong cả nước.

Những dữ liệu mới nhất trích xuất từ ISI hay Scopus đều cho thấy, trong những năm gần đây, cả số lượng và chất lượng công bố quốc tế của Việt Nam đều có tốc độ tăng trưởng đáng kể (Nguyễn Thu Hà và cộng sự, 2020). Điều này chắc chắn xuất phát từ những quy định, chính sách kể trên. Mặt khác, việc ngày càng nhiều nhà khoa học trẻ (chủ yếu thuộc thế hệ 7X, 8X) trở về từ nước ngoài, được đào tạo bài bản và đang có năng suất làm việc cao cũng góp phần không nhỏ vào việc tăng trưởng số lượng và chất lượng công bố quốc tế ở Việt Nam trong những năm qua. Nhưng bối cảnh mới lại đưa đến những vấn đề và thách thức mới. Việc có những chính sách, quy định tốt (từ phía Chính phủ và trường đại học) hay việc có nhiều hơn các nhà nghiên cứu từ nước ngoài trở về có năng lực khoa học tốt là rất quan trọng nhưng chưa đảm bảo cho việc phát triển bền vững của khoa học nói chung cũng như công bố quốc tế nói riêng.

Giải pháp căn cơ, theo chúng tôi có lẽ là việc chúng ta cần phải tổ chức được nhiều chương trình đào tạo sau đại học, nhất là ở bậc tiến sĩ trong nước chất lượng hơn, có mức độ hội nhập quốc tế cao. Số lượng nghiên cứu sinh đầu vào sụt giảm đáng kể từ 2017 (năm Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT được ban hành) cho thấy sự chưa sẵn sàng hội nhập quốc tế trong đào tạo tiến sĩ của cả các trường đại học lẫn học viên.

Tất nhiên, việc đổi mới đào tạo tiến sĩ, bao gồm từ chương trình, giáo trình, tài liệu giảng dạy cho đến phương pháp, giảng viên, người hướng dẫn theo hướng hội nhập quốc tế, nhằm đảm bảo cho nghiên cứu sinh khi tốt nghiệp phải có được các công bố quốc tế theo quy định là việc không thể làm trong một sớm một chiều. Trong bối cảnh đó, chúng ta rất cần những nỗ lực, có thể nhỏ nhưng nghiêm túc và có mức độ hội nhập quốc tế cao, để từng bước góp phần cho những thay đổi căn cơ.

Và cuốn “Công bố khoa học giáo dục theo hướng tiếp cận quốc tế” do GS. Nguyễn Thị Mỹ Lộc, GS. Trần Trung và PGS. Nguyễn Tiến Trung đồng chủ biên với sự tham gia của 17 đồng nghiệp khác là một trong những nỗ lực như vậy.

(Ảnh: Bìa sách (xuất bản năm 2020))

Cuốn sách được xuất bản năm 2020, do NXB Giáo Dục Việt Nam phát hành bao gồm 14 chương, đề cập đến các vấn đề cơ bản và cập nhật nhất mà bất kỳ nhà nghiên cứu trẻ nào cũng phải biết và phải thành thạo. Có thể chia nội dung cuốn sách thành những hợp phần chính:

- Nội dung kinh điển trong nghiên cứu khoa học, bao gồm: đạo đức nghiên cứu khoa học (chương 6), trích dẫn tài liệu trong nghiên cứu khoa học (chương 9), cấu trúc phổ quát của bài báo khoa học quốc tế (chương 8).

- Nội dung liên quan đến một số kỹ năng trong nghiên cứu và xuất bản quốc tế, bao gồm: xếp hạng tạp chí khoa học trong Web of Science và Scopus (chương 4), công cụ tìm kiếm tạp chí trong nghiên cứu khoa học (chương 5), công cụ trực tuyến trong nghiên cứu khoa học (chương 12), và mã định danh của nhà nghiên cứu (chương 14).

- Nội dung mới nhất của thực tiễn khoa học thế giới (nhưng có thể còn rất mới mẻ với Việt Nam), bao gồm: phân tích trắc lượng khoa học (chương 1), cơ sở dữ liệu khoa học mở quốc gia (chương 2), khoa học mở và xu hướng phát triển (chương 7), hệ thống tiền xuất bản trong nghiên cứu khoa học (chương 10), khai thác trí tuệ nhân tạo trong nghiên cứu khoa học (chương 13), và chiến lược tăng khả năng nhận diện trong kết quả nghiên cứu (chương 13).

(Ảnh: Mục lục các chương sách)

Với những nội dung trên, thậm chí cuốn sách có thể được dùng như sách giáo trình hoặc tài liệu tham khảo tại một số chương trình đào tạo sau đại học, đặc biệt là đào tạo tiến sĩ như chúng tôi đã trình bày ở trên. Và mặc dù nhóm tác giả khiêm tốn chỉ khu trú nội dung sách trong ngành khoa học giáo dục, nhưng bởi tầm quan trọng của các nội dung đã được đề cập, chúng tôi cho rằng, các ngành khác trong khoa học xã hội, thậm chí là khoa học tự nhiên vẫn hoàn toàn có thể sử dụng cuốn sách này.

Một điểm nữa khiến chúng tôi thích thú với cuốn sách này là cách thức tổ chức của các nhóm tác giả. Cuốn sách có 3 chủ biên (mỗi chủ biên cũng tham gia đồng tác giả một số chương sách) và 17 đồng nghiệp khác (mỗi người tham gia đồng tác giả một số chương sách). Đây là cách làm sách rất hiện đại, phổ biến trên thế giới nhưng chưa được áp dụng nhiều ở Việt Nam. Bản thân chúng tôi khi sinh hoạt học thuật với các đồng nghiệp quốc tế cũng đã từng có đóng góp một số chương sách cho các cuốn sách theo mô hình này (Nguyễn Ngọc Anh và cộng sự, 2020; Phạm Hiệp và Vũ Minh Huyền, 2019). Cách tổ chức sách như trên, bên cạnh tính hiệu quả trong quá trình viết và biên tập sách, còn là cơ hội để nhiều nhà khoa học thuộc các thế hệ khác nhau và thuộc nhiều đơn vị khác nhau cộng tác, và từ đó hỗ trợ, đào tạo, huấn luyện lẫn nhau, cũng như hình thành được nhóm nghiên cứu.

Tất nhiên, một cuốn sách, cũng như bất kỳ công trình học thuật nào cũng đều có những giới hạn của nó (Vương Quân Hoàng, 2020; Vương Quân Hoàng và Trần Trung, 2019). Nếu đọc kỹ, không khó để chỉ ra một vài lỗi nhỏ về thể thức văn bản hoặc trích dẫn trong cuốn sách. Bên cạnh đó, sẽ là thuận lợi hơn cho độc giả nếu nhóm tác giả viết lại Phần mở đầu kỹ hơn, hoặc thậm chí viết hẳn thêm chương 0, trong đó trình bày rõ hơn về ý tưởng, mục tiêu của cuốn sách cũng như giá trị sử dụng của nó trong bối cảnh Việt Nam hiện nay. Cuối cùng, nếu có thể, chúng tôi mong muốn trong các lần tái bản sau, nhóm tác giả có thể “mở” bản mềm của cuốn sách trên không gian mạng, đúng với xu hướng khoa học mở hiện nay, mà bản thân các tác giả cũng đã đề cập và cổ vũ trong chương 7 của cuốn sách.

Tài liệu tham khảo

Nguyen, T. N.-A., Cao, T. Q., & Pham, H.-H. (2020). Impact of the New Southbound Policies in International Students on Taiwan: An Exploratory Study from Vietnamese Oversea Students. In L.-H. Phan & B.-N. Doan (Eds.), Higher Education in Market-Oriented Socialist Vietnam (pp. 227–249). Springer International Publishing. https://doi.org/10.1007/978-3-030-46912-2_12

Nguyen, T. T. H., Pham, H., Vuong, Q., Cao, Q., Dinh, V., & Nguyen, D. D. (2020). The adoption of international publishing within Vietnamese academia from 1986 to 2020: A review. Learned Publishing. https://doi.org/10.1002/leap.1340

Pham, H.-H., & Vu, H.-M. (2019). Financing Vietnamese Higher Education: From a Wholly Government-Subsidized to a Cost-Sharing Mechanism. In N.-T. Nguyen & L.-T. Tran (Eds.), Reforming Vietnamese Higher Education. Education in the Asia-Pacific Region: Issues, Concerns and Prospects (pp. 75–90). Springer. https://doi.org/10.1007/978-981-13-8918-4_5

Bộ GD&ĐT. (2017). Thông tư 08/2017/TT-BGDĐT: Ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ. Bộ GD&ĐT. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-08-2017-TT-BGDDT-Quy-che-tuyen-sinh-dao-tao-trinh-do-tien-si-338487.aspx

Thủ tướng Chính phủ. (2018). Quyết định 37/2018/QĐ-TTg: Ban hành quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư. Thư Viện Pháp Luật. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Quyet-dinh-37-2018-QD-TTg-thu-tuc-xet-cong-nhan-dat-tieu-chuan-va-bo-nhiem-giao-su-pho-giao-su-394211.aspx

Vuong, Q.-H. (2020). Reform retractions to make them more transparent. Nature, 582(7811), 149–149. https://doi.org/10.1038/d41586-020-01694-x

Vuong, Q. H., & Tran, T. (2019). The Vietnamese Social Sciences at a Fork in the Road (Q.-H. Vuong & T. Tran (eds.)). Sciendo. https://doi.org/10.2478/9783110686081

TS. Phạm Hùng Hiệp
Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Giáo dục, Trường Đại học Phú Xuân

TS. Phan Thị Thanh Thảo
Nhóm nghiên cứu Reduvation, Trường Đại học Thành Đô

 

Bạn đang đọc bài viết Điểm sách: “Công bố khoa học giáo dục theo hướng tiếp cận quốc tế” tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19