Những lợi ích của việc phát triển thói quen tự phản biện của giáo viên

Những giáo viên hàng ngày dành thời gian để suy ngẫm về những gì mình đã và chưa làm được trên lớp học sẽ có thể đánh giá và nhận thức được những điểm bản thân cần cải thiện và thực hiện các điều chỉnh cần thiết.

Nguồn: TEFL.net

Chưa bao giờ trong lịch sử, công việc dạy học lại đòi hỏi ở người giáo viên nhiều sự cố gắng như hiện nay. Trong suốt khoảng thời gian đại dịch diễn ra trên toàn cầu, mỗi ngày các giáo viên đều phải luôn làm việc với thái độ sẵn sàng, hết mình vì công việc, đồng thời mang đến các bài học hấp dẫn cũng như duy trì tinh thần tích cực cho chính bản thân họ và các học sinh. Ngoài ra, trong công tác giảng dạy, họ phải làm quen với việc chuyển đổi hình thức giảng dạy từ trực tiếp sang trực tuyến.

Để thúc đẩy giáo dục trong thời điểm bất ổn hiện tại, điều cần thiết ở mỗi giáo viên là phải có ý thức tự chủ, tự kiểm soát. Phát triển thói quen tự phản biện là một công cụ quan trọng trong quá trình này. Tuy nhiên, thông tin tích cực là trong chừng mực nào đó, các giáo viên đang phải hết sức bận tâm suy nghĩ về những gì đã làm được và những gì chưa làm được. Thông qua cách tiếp cận này, họ có thể trau dồi thêm công việc của mình, cộng tác với nhiều đồng nghiệp, và phát triển các giải pháp để có thể chuyển các kỹ năng thực tế từ lớp học truyền thống sang không gian học tập trực tuyến.

Ghi lại trải nghiệm của chính bản thân bạn

Hãy dành thời gian để suy ngẫm về thứ nằm trong tầm kiểm soát của bạn: công việc giảng dạy. Viết nhật ký là một cách tuyệt vời để bắt đầu việc này. Mặc dù, đây không phải là một ý tưởng mới, tuy nhiên hoạt động này sẽ giúp chúng ta xây dựng khả năng thích ứng - một thái độ cần thiết trong bối cảnh giảng dạy hiện nay.

Lấy ý tưởng từ việc thực hành chánh niệm, suy ngẫm về những thói quen hàng ngày cho phép chúng ta chỉ tập trung vào thời điểm hiện tại, đồng thời ngăn chặn những xúc cảm thái quá. Ngoài ra, viết nhật ký còn giúp ta hiểu rõ hơn về những mặt mà bản thân cần tập trung nỗ lực để cải thiện.

Khi bắt đầu một bài học cụ thể, hãy tự đặt ra các câu hỏi sau:

-       Trên phương diện học tập của học sinh, điều gì thực sự mang đến hiệu quả trong bài học này? Điều gì không?

-       Dấu hiệu gì chứng tỏ học sinh đã tiếp thu được?

-       Tôi đã ứng dụng kỹ năng giảng dạy nào để thúc đẩy việc học tập của học sinh?

-       Có khoảnh khắc nào mà tôi thực sự kết nối được với học sinh hay không?

Thời gian để trả lời những câu hỏi trên thường sẽ không mất quá 10 phút. Khi viết, bạn hãy cố gắng liệt kê ra càng nhiều chi tiết càng tốt. Việc suy ngẫm về những điều bạn đã làm được và chưa làm được khi lên lớp có tầm quan trọng như nhau.

Ngoài ra, nếu hiện tại bạn vẫn đang dạy học theo hình thức trực tiếp, hãy thử suy nghĩ về bài giảng đó của bạn sẽ như thế nào nếu phải thực hiện theo hình thức trực tuyến. Những câu hỏi như “Làm thế nào để tôi có thể chuyển những yếu tố tích cực của bài học này sang hình thức trực tuyến" sẽ giúp bạn xây dựng tiết dạy online của mình dựa trên những thành công của lớp học trực tiếp truyền thống. Đồng thời, việc này cũng sẽ giúp bạn lập chiến lược về việc chuyển đổi sang hình thức học tập từ xa, đồng thời chuẩn bị cho bạn những hành trang cần thiết để có thể đối diện trước bất kỳ sự điều chỉnh nào.

Đặt ra một câu hỏi gợi ý

Thật dễ dàng để nhận ra những điều khiến cho bài giảng của bạn trở nên kém hiệu quả. Tuy nhiên, việc phải biến những thách thức ấy thành những câu hỏi phản biện để giúp cải thiện kỹ năng thực hành giảng dạy của bạn còn khó hơn nhiều. Hãy bắt đầu bằng việc xây dựng những câu hỏi thông qua quá trình tự quan sát của bản thân. Chẳng hạn, khi bạn nhận ra rằng mình không có đủ thời gian để gọi từng học sinh một trong suốt tiết học, các câu hỏi gợi ý cho bạn trong tình huống này bao gồm:

-       Làm thế nào để tôi kết hợp nhiều phương pháp để kiểm tra sự hiểu biết của học sinh?

-       Làm thế nào để tôi cung cấp các cách để học sinh có thể hỗ trợ lẫn nhau?

-       Tôi phải làm gì để kết nối với từng học sinh khi dạy bài học này trực tuyến?

Điều quan trọng là đảm bảo rằng câu hỏi của bạn có liên hệ với những quan sát cụ thể bạn đã thực hiện liên quan tới trải nghiệm giảng dạy của chính bạn. Thêm vào đó, đừng đặt ra các câu hỏi gợi ý có nội dung quá rộng mà nên đề cập đến những điều chỉnh trong việc giảng dạy mà bạn có thể áp dụng ngay lập tức. Hãy nhớ rằng bạn nên đặt ra những câu hỏi có thể giải đáp được thông qua các quan sát thực tế.

Cộng tác với một đồng nghiệp

Hãy mời một đồng nghiệp tham gia cùng bạn trong quá trình này. Nếu hình thức tương tác này vẫn còn mới mẻ đối với cả hai, thì bạn và đồng nghiệp nên dành thời gian để tìm hiểu nhau một cách kĩ lưỡng. So sánh phong cách giảng dạy của hai bạn, bao gồm những điểm mạnh cũng như những lĩnh vực mà bạn theo đuổi. Quá trình xây dựng mối quan hệ này sẽ không mất nhiều thời gian. Chìa khóa thành công của việc này là hai bạn phải đối thoại với nhau một cách kĩ càng, trung thực và tập trung ngay từ đầu. Đồng thời, chia sẻ câu hỏi gợi ý của mỗi người. Sau đó, hãy làm việc cùng nhau, suy nghĩ về những giải pháp. Những câu hỏi giúp khởi động cuộc thảo luận có thể là:

-       Bạn đã từng có những trải nghiệm tương tự trong lớp học của mình chưa?

-       Bạn có bất kỳ chiến lược nào mà bạn đã từng áp dụng thành công chưa?

-       Có những chiến lược nào mà bạn nghĩ khi áp dụng sẽ hiệu quả nhưng thực tế lại không?

-       Bạn sẽ giải quyết tình huống này như thế nào trong một lớp học trực tuyến? Giải pháp đưa ra có khác không?

Cuộc thảo luận sẽ trở nên phong phú hơn khi hai bạn đề cập cả về thành công và thất bại bởi chúng liên quan đến công việc thực tế của bạn. Tuỳ thuộc vào tình hình ở ngôi trường mà bạn công tác, những cuộc thảo luận này có thể diễn ra trực tiếp hoặc gián tiếp. Và để giải quyết những câu hỏi gợi ý đã đặt ra, hãy tận dụng thời gian làm việc với nhau để chia sẻ kiến thức, truyền cảm hứng và tìm ra những giải pháp.

Hơn nữa, bạn có thể mời đồng nghiệp dự giờ bài giảng mà bạn mới chỉnh sửa. Sử dụng những câu hỏi gợi ý để hình thành trọng tâm của quá trình quan sát.  Một lần nữa, những quan sát tập thể này có thể được thực hiện trực tiếp hoặc trực tuyến. Thông qua quá trình làm việc với một giáo viên khác theo cách này, bạn sẽ trở nên đồng cảm hơn với các đồng nghiệp và bổ sung kiến ​​thức tập thể cho khoa/bộ môn của bạn.

Việc phát triển thói quen phản biện cần phải có chủ ý và quyết tâm của bản thân. Tham gia thực hiện những việc như vậy sẽ giúp bạn trở nên gắn bó hơn với công việc của mình. Cân bằng tư duy phản biện với những sự điều chỉnh trong thực tế giảng dạy sẽ giúp bạn duy trì sự linh hoạt và tự chủ trong giai đoạn bất ổn này.

Nguồn:

Megan Collins. The Benefits of Developing a Reflective Routine. Edutopia.

Vân Anlược dịch

Bạn đang đọc bài viết Những lợi ích của việc phát triển thói quen tự phản biện của giáo viên tại chuyên mục Dạy và học trong nhà trường của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19