GIÁO DỤC ĐẠI HỌC CẦN MỘT KẾ HOẠCH “HỌC TẬP ẢO” DÀI HẠN

Tác động khủng khiếp của đại dịch Covid-19 đối với các hệ thống giáo dục trên toàn cầu khác hoàn toàn với thời kỳ hậu chiến trước đây. Hơn 1,6 tỷ học sinh đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch, chiếm hơn 91% tổng số học sinh trên toàn thế giới.

 

 

Nguồn: Hill Street Studios/Getty Images

 Do đó không có gì quá ngạc nhiên khi nhu cầu học trực tuyến của các học sinh, sinh viên trên toàn thế giới tăng vọt. Cụ thể, trong 30 ngày qua, đã có 10,3 triệu lượt đăng ký các khoá học trên nền tảng cung cấp các khoá học trực tuyến Coursera, tăng 644% so với cùng kỳ năm ngoái.

Không thể tổ chức giảng dạy trực tiếp tại trường, các trường đại học đã cố gắng duy trì hoạt động học tập thông qua phương pháp “dạy học từ xa khẩn cấp". Ở thời điểm này, các trường đại học đang tập trung vào đảm bảo việc duy trì học tập cho sinh viên; và trong nhiều trường hợp, họ phải đưa thêm vào chương trình giảng dạy các khoá học trực tuyến sẵn có, đáng tin cậy, được cung cấp bởi các tổ chức hàng đầu. Ví dụ, các trường đại học  có thể tham khảo hàng loạt các nguồn tài nguyên về giảng dạy từ xa được cung cấp bởi các trường đại học hàng đầu dưới giấy phép mở Creative Commons. Hoặc chúng ta có thể xem xét ví dụ của Đại học Duke Kunshan ở Trung Quốc - kết quả của sự hợp tác giữa Đại học Duke (Mỹ) và Đại học Vũ Hán: nhằm đối phó sớm với cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra, trường này đã chuyển sang giảng dạy từ xa bằng cách sử dụng dịch vụ Coursera for Campus. Mặc dù các biện pháp này bước đầu có hiệu quả, chúng vẫn chỉ có ý nghĩa đối phó tạm thời.

Khi tình trạng khủng hoảng đã dần lắng xuống nhưng trạng thái bình thường vẫn chưa thể quay trở lại, các trường đại học cần phải hành động nhiều hơn nữa; nhiều khả năng, các lớp học ảo (virtual learning) sẽ trở thành một phần của giáo dục trong tương lai gần. Các trường đại học cần xây dựng các kế hoạch xa để phản ứng với tình hình dịch bệnh và có những giải pháp tức thời. Họ phải chuẩn bị cho một giai đoạn chuyển tiếp trung gian và củng cố chắc chắn cho tương lai.

Xây dựng hệ sinh thái học tập kỹ thuật số hoàn thiện

Sự phát triển hệ sinh thái giáo dục đại học xảy ra thông qua “trạng thái cân bằng đứt quãng" (punctuated equilibrium): khoảng thời gian thay đổi kéo dài, diễn ra tương đối chậm xen kẽ với một vài khoảnh khắc thích nghi nhanh chóng. Đại dịch hiện tại chính là thời điểm đứt quãng, khi các nhà giáo dục phải đối mặt với tình thế cấp bách chưa từng có cũng như đang phải nỗ lực không ngừng trong việc khôi phục hoạt động dạy và học dựa trên nền tảng công nghệ, đổi mới và cộng tác.

Các trường đại học cần và muốn được cung cấp chương trình và nội dung giảng dạy trực tuyến từ chính các giảng viên của họ. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều giảng viên chưa bao giờ thiết kế hoặc đứng lớp bất kỳ môn học trực tuyến nào. Do đó, các trường đại học phải trao đổi với giảng viên để đưa ra quyết định nhanh chóng, các môn học nào sẽ phải được mô phỏng lại trực tuyến và những nội dung nào có thể chuyển đổi trực tiếp sang nền tảng online mà không bị mất đi giá trị vốn có. Giảng viên sẽ phải sáng tạo lại các bài giảng, đồng thời thay đổi, cải tiến cách thức giảng dạy trực tuyến.

Ví dụ, một bài giảng kéo dài hai giờ có thể được chia thành nhiều hoạt động học tập khác nhau thay vì chỉ một đoạn video liền mạch, đơn điệu. Cuối cùng, trong giai đoạn này khi các trường đại học bắt đầu chuyển đổi sang hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật số mạnh mẽ hơn, thì hình thức ảo hoá, các dự án có sự hướng dẫn của giảng viên và các trò chơi được xây dựng dựa trên bài học sẽ chính là các giải pháp học tập trực tuyến thú vị bên cạnh phương thức hội nghị truyền hình (videoconferencing) truyền thống. Khi các trường đại học phát triển năng lực kỹ thuật số của riêng họ, những sự chuyển đổi tưởng chừng chỉ có ý nghĩa trong ngắn hạn nhằm đối phó với khủng hoảng cũng có thể trở thành một quá trình chuyển đổi kỹ thuật số lâu dài của giáo dục đại học.

Các trường đại học đang trong các giai đoạn khác nhau của quá trình chuyển đổi kỹ thuật số. Điều gì đang là trở ngại giữa những trường mới bước vào thế giới kỹ thuật số với các trường đại học đi đầu trong lĩnh vực này? Và những lãnh đạo nhà trường cần phải làm gì để đưa trường của họ tiến lên? Chúng tôi đã phát triển mô hình sau để giúp các trường đại học xác định cần “tích hợp” lớp học số vào đâu trong hệ sinh thái giáo dục của họ và, từ các căn cứ đó, chuyển đổi quá trình dạy và học của nhà trường để đối phó với Covid-19. Phương án này dựa trên kinh nghiệm tập thể của chúng tôi về chiến lược kỹ thuật số hàng đầu tại Đại học Michigan, Đại học Hoàng gia London, Đại học Duke và dịch vụ Coursera.

Những “người mới đến” trong thế giới kỹ thuật số

Những trường đại học thiếu các điều kiện cần thiết để tổ chức giảng dạy và học tập trực tuyến sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, đặc điểm của các trường này thường có rất ít khoá học có sẵn dưới hình thức trực tuyến (ít hơn 3%) cũng như không có kinh nghiệm giảng dạy trực tuyến, đồng thời các nhà quản lí trong trường không hề có sự phân bổ nào dành cho đội ngũ hay ngân sách để tập trung cho việc mở rộng hệ thống giáo dục trực tuyến. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi vấn đề đều nằm ở việc giảng dạy và quản trị. Thêm vào đó, sinh viên và giảng viên còn không được cấp hoặc bị hạn chế quyền truy cập vào phần mềm (các công cụ cộng tác, họp video) và phần cứng (máy tính xách tay, webcam). Kết nối Internet ở đây rất kém, thậm chí không có. Họ có thể có kết nối thông qua mạng di động hoặc wifi nhưng bị hạn chế bởi chi phí dữ liệu đắt đỏ.

Hiện trạng công nghệ và các lựa chọn nền tảng giúp các trường đại học dễ dàng đưa ra các phương án hành động nhanh chóng. Nếu đại dịch do virus Corona xảy ra từ một thập kỷ trước, nó sẽ làm tê liệt hoàn toàn hoạt động của các trường. Giờ đây, chúng ta đã có quyền truy cập vào hệ thống mạng với băng thông rộng lớn, các công cụ truyền thông tin cậy, các phần mềm hội nghị truyền hình thân thiện với người dùng và sự phổ biến của điện thoại thông minh. Các trường đại học có thể cấp phép sử dụng những công cụ này một cách dễ dàng và tiết kiệm chi phí, và giảng viên có thể bắt đầu tổ chức giảng dạy trực tuyến ngay lập tức. Để hỗ trợ giảng viên và sinh viên thoải mái hơn khi sử dụng các phương tiện, đầu tiên trường đại học cần tìm đến sự trợ giúp của các trường bạn, các nhà tư vấn và các công ty (nếu có thể) để đào tạo giảng viên và sinh viên về ý nghĩa của việc tổ chức giảng dạy hiệu quả trong môi trường trực tuyến.

Các trường đại học ‘tân tiến’

Các trường đại học ‘tân tiến' là những nơi có cơ sở hạ tầng kỹ thuật tốt, danh mục nội dung giảng dạy số lớn và đội ngũ giảng viên thành thạo trong việc triển khai giảng dạy trực tuyến. Họ thường có các trung tâm dành riêng cho hoạt động đổi mới học thuật (như Đại học Michigan) và thúc đẩy chiến lược chuyển đổi số của họ. Đối với các trường này, đây là thời điểm để họ mở rộng cơ sở hạ tầng trên tất cả các chương trình và sử dụng phần mềm học liệu trực tuyến dưới dạng sách giáo khoa, giáo trình kỹ thuật số, được xây dựng bởi chính các giảng viên của họ hoặc bằng cách tích hợp các môn học của các trường khác.

Điều đó cho thấy rằng các trường đại học ‘tân tiến’ nên đẩy nhanh quá trình đổi mới sư phạm để phục vụ cộng đồng học sinh, sinh viên tham gia học trực tuyến đa dạng với các điều kiện  kinh tế - xã hội khác nhau, đồng thời tăng cường cam kết tạo ra một môi trường học hòa nhập bằng cách tiến hành các cuộc thảo luận nhóm đột phá, tổ chức các hội đồng thảo luận trực tiếp và tạo cơ hội cho sinh viên trình bày bài thuyết trình của mình. Bên cạnh các lớp học ảo, sự gắn kết cộng đồng có thể được tăng cường thông qua việc thu thập, tổng hợp ý kiến từ nhiều người, tổ chức các nhóm học tập, các buổi tiệc trà, cafe trực tuyến, những ‘giờ vui vẻ’ (happy hour) và các sự kiện livestream trực tiếp khác. Các trường đại học ‘tân tiến’ có ưu thế trong việc khám phá, triển khai các công nghệ phong phú như Thực tế tăng cường (AR) và Thực tế ảo (VR) trong các lĩnh vực như y học và kỹ thuật, giống như cách mà Đại học Hoàng gia London đang làm. Các trường đại học này có cơ sở vững chắc để trở thành những trường có đóng góp hàng đầu cho hệ sinh thái giáo dục đại học toàn cầu, thông qua chuyên môn và nội dung giảng dạy của họ.

Chuyển đổi số giờ dạy đồng nghĩa với giảm thiểu rủi ro

Trước đây, các trường đại học coi chuyển đổi kỹ thuật số là phương thức nhằm tăng cường khả năng tiếp cận của sinh viên, hợp tác quốc tế, hỗ trợ giảng dạy với hình thức cá nhân hoá cũng như cải tiến công tác thực hành sư phạm. Vào thời điểm hiện tại, khi các trường dự tính phương án sinh viên có thể không được tham gia học tập tại trường theo cách truyền thống trong thời gian dài, việc giảm thiểu rủi ro sẽ trở thành động lực không nhỏ cho  quá trình chuyển đổi số và cho phép các trường đại học tiếp tục thực hiện công tác tuyển sinh và phục vụ sinh viên. Bên cạnh đó, các trường đại học tập trung phát triển năng lực kỹ thuật số được đánh giá là sẽ có khả năng phục hồi để vượt qua bất kỳ cuộc khủng hoảng nào, cho dù là đợt bùng phát Covid-19 lớn hay một thảm họa nào khác trong tương lai.

Vân An lượcdịch

Nguồn:

James DeVaney, Gideon Shimshon, Matthew Rascoff, Jeff Maggioncalda (2020). Higher Ed Needs a Long-Term Plan for Virtual Learning. Harvard Business Review Home.

Bạn đang đọc bài viết GIÁO DỤC ĐẠI HỌC CẦN MỘT KẾ HOẠCH “HỌC TẬP ẢO” DÀI HẠN tại chuyên mục Thông tin khoa học của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19