Quản trị giáo dục đại học ở Việt Nam hướng tới mô hình phân cấp và những vấn đề thực tiễn

Việc chuyển giao quyền ra quyết định, trách nhiệm và nhiệm vụ của Chính phủ cho các cơ sở giáo dục đại học đóng vai trò là một giải pháp giúp “cởi trói”, thúc đẩy nền giáo dục phát triển mà Chính phủ kỳ vọng sẽ mang lại cơ chế tự chủ cho các trường đại học. Tuy nhiên, quá trình cải cách này vẫn còn bộc lộ sự hiểu biết và kinh nghiệm hạn chế trong việc dẫn dắt toàn bộ quá trình đổi mới.

Nghiên cứu với tiêu đề “Governance in higher education in Vietnam – a move towards decentrializtion and its practical problems” (Quản trị giáo dục đại học ở Việt Nam hướng tới việc phân cấp và những vấn đề thực tiễn) đề cập tới mô hình phân cấp với tư cách là một chiến lược của Chính phủ trong giáo dục đại học ở Việt Nam. Việc trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các cơ sở giáo dục đại học là cách thức để đảm bảo tính chủ động, sự mềm dẻo, sáng tạo và linh hoạt trong các hoạt động của nhà trường. Bài nghiên cứu cũng chỉ ra rằng cần phải xem xét việc quản trị giáo dục đại học trong môi trường phức tạp và chuyển dịch liên tục.

Nội dung bài viết, bên cạnh việc giới thiệu khung lý thuyết về phân cấp, còn làm rõ phạm vi, ý nghĩa của thuật ngữ phân cấp. Tác giả bàn về ý nghĩa của sự phân cấp và các loại phân cấp, đồng thời nhấn mạnh sự xuất hiện của phân cấp trong giáo dục, đặc biệt là bối cảnh lịch sử xã hội giáo dục Việt Nam, từ đó làm nổi bật những nỗ lực phân cấp lịch sử xã hội giáo dục Việt Nam.

Nỗ lực thực sự để phân cấp toàn diện giáo dục đã được thực hiện vào năm 2005 với việc thực hiện Luật Giáo dục năm 2005 và Nghị quyết số 14/2005/ NQ-CP ban hành ngày 2 tháng 11 năm 2005 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020. Điều 14 của Luật Giáo dục nêu rõ Chính phủ quyết định “thực hiện phân cấp quản lý giáo dục”, tăng cường quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục, thể hiện rõ nỗ lực và mong muốn của chính quyền trung ương trong việc phân cấp hệ thống, chuyển các cơ sở giáo dục đại học công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, theo đó cơ sở này có đầy đủ tư cách pháp nhân và quyền quyết định, đồng thời chịu trách nhiệm về đào tạo, nghiên cứu, tổ chức, nhân sự, và tài chính. Từ đó nghiên cứu làm bật khoảng cách giữa chính sách và thực tiễn là chưa có sự ủng hộ hoàn toàn về mặt chính trị đối với chính sách phân cấp, và hiện tại tự chủ về thể chế vẫn được coi là một đề án thí điểm chỉ thực hiện ở một số trường đại học công lập, bộc lộ khả năng dẫn dắt sự thay đổi của các bên liên quan còn yếu kém. Bài nghiên cứu cũng đưa ra trường hợp của Trường Đại học Quốc gia Hà Nội làm ví dụ điển hình, để thảo luận, minh hoạ năng lực yếu kém trong dẫn dắt sự thay đổi.

Việt Nam đã bắt đầu áp dụng xu hướng phân cấp trong quản lý giáo dục đại học trên toàn thế giới, nhưng không tạo được sự thay đổi như mong đợi. Vì vậy các nhà hoạch định chính sách cần đưa một kế hoạch khả thi hơn, không xa rời thực tế. Đồng thời việc phân cấp, chuyển giao quyền quyết định, trách nhiệm và nhiệm vụ từ trung ương xuống các tổ chức cấp dưới cần sự hỗ trợ mạnh mẽ của các lực lượng chính trị.

Vũ Thị Tuyết Minh lược dịch

Tài liệu tham khảo:

Bray, M., 2007. Control of education: issues and tensions in centralization and decentralization. In: R.F. Arnore and C.A. Torres, eds. Comparative education: the dialectic of the global and the local. Plymouth: Rowman & Littlefield, 175–196.

Ghi chú: Những quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Quản trị giáo dục đại học ở Việt Nam hướng tới mô hình phân cấp và những vấn đề thực tiễn tại chuyên mục Khoa học giáo dục và xã hội của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19