Indonesia đã đổi mới GIÁO DỤC TOÁN HỌC như thế nào?

Học hỏi từ những thành công ở Hoa Kỳ và Nam Phi, Indonesia đã nghiên cứu, vận dụng và có những điều chỉnh lí thuyết Realistic Mathematics Education (RME, có thể gọi là Giáo dục Toán thực*) để đổi mới toàn diện nền giáo dục toán học một cách căn bản và đã có những thành tựu quan trọng. Bài viết sơ lược giới thiệu thành công này, tập trung vào lộ trình và kiểu đổi mới “top-down” của Indonesia như là một kinh nghiệm chính sách trong đổi mới giáo dục.

RME (Realistic Mathematics Education) là một cách tiếp cận trong dạy học môn Toán hay có thể coi như một lý thuyết về giáo dục toán học, được khai sinh từ Hà Lan, những năm 70 của thế kỉ XIX. Cha đẻ của lí thuyết này là nhà toán học nổi tiếng Hans Freudenthal. Theo ông, học sinh cần được học toán bằng cách “phát minh” lại những tri thức toán học. Những tri thức này có thể không mới với các nhà toán học nhưng là mới đối với chính bản thân học sinh (Freudenthal, H., 1973). Đặc điểm của RME là các tình huống phong phú, “tình huống thực tế” được đưa ra một vị trí nổi bật trong quá trình học tập. Những tình huống này đóng vai trò là nguồn để bắt đầu phát triển các khái niệm, công cụ và thủ tục toán học và là bối cảnh mà ở giai đoạn sau, học sinh có thể áp dụng kiến thức toán học của mình, sau đó dần dần trở nên chính thức và chung chung hơn và ít bối cảnh cụ thể hơn (Van den Heuvel-Panhuizen, M., & Drijvers, P., 2014).

Khi RME được quảng  bá, lan toả, nghiên cứu, vận dụng ở một số nước, và cũng có những biến đổi, điều chỉnh và cả những tên gọi khác nhau. Trong bối cảnh Indonesia, nó được gọi là ‘Pendidikan Matematika Realistik Indonesia’ (PMRI) còn người Mỹ thì có sự tiếp cận theo hướng “toán học trong bối cảnh” nên có tên gọi là MiC (Mathematics in Context).

Có thể nói, RME có duyên với Indonesia từ năm 1994, bởi cá nhân Giáo sư Sembiring từ Institut Teknologi Bandung: ông được nghe Giáo sư Jan de Lange, Giám đốc Viện Freudenthal thuộc Đại học Utrecht (Hà Lan) khi đó trình bày bài phát biểu quan trọng về RME tại hội nghị ICMI ở Thượng Hải. Khi đó, Sembiring là người đại diện cho chính phủ Indonesia, đã đề nghị với Jan de Lange rằng Indonesia cần phải cải cách chương trình giáo dục toán học ở phổ thông. Đồng thời, ông đã đề nghị GS De Lange thuyết phục chính phủ rằng RME là cách tiếp cận tốt để đạt được mục tiêu này. Bốn năm sau, Jan de Lange đã sang và giúp Indonesia, tất nhiên Chính phủ Indonesia đồng ý.

Tuy vậy, người Indonesia cũng có cách làm rất bài bản và cẩn trọng. Năm 1998, Chính phủ Indonesia cử sáu ứng viên tiến sĩ sang Hà Lan để tìm hiểu về RME. Giáo sư Jan de Lange và Giáo sư Tjeerd Plomp (từ Đại học Twente) đã chọn sáu nhà giáo dục trong số khoảng 20 ứng viên từ các cơ sở giáo dục trên khắp Indonesia  tiến sĩ của Đại học Twente và Đại học Utrecht. Năm 2002, bốn trong số những người tham gia nhận bằng Tiến sĩ về giáo dục toán học. Hiện nay, tất cả những ứng cử viên này đều là chuyên gia về RME và là trụ cột của sự tiếp tục của PMRI tại Indonesia cũng như là những cầu nối quan trọng trong hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và triển khai về PMRI.

Tiếp đó, từ năm 2001 đến năm 2010, Giáo sư Sembiring quản lý hoạt động của PMRI thông qua hai dự án do Hà Lan hỗ trợ: dự án Chương trình Hà Lan về Tăng cường năng lực giáo dục và đào tạo sau trung học (NPT) và dự án Phổ biến Pendidikan Matematika Realistik Indonesia (Do-PMRI ).

Dự án đầu tiên của PMRI là dự án NPT (Chương trình Hà Lan về tăng cường năng lực giáo dục và đào tạo sau trung học cơ sở). Nó được tài trợ bởi Tổng cục Giáo dục Đại học Indonesia (DIKTI) và được hỗ trợ bởi Tổ chức Hợp tác Quốc tế về Giáo dục Đại học của Hà Lan (giai đoạn 2001 - 2003). Dự án thứ hai là dự án Do-PMRI (2006–2010). Dự án này cũng là một dự án chung của Indonesia và Hà Lan.

Sau 10 năm, PMRI đã được phổ biến ở khoảng 20 trong số 33 tỉnh ở Indonesia. Sau hai dự án trên, giai đoạn 2011–2015 đánh dấu sự phổ biến các thành tựu, kết quả của hai dự án. Giai đoạn này, Indonesia đã xây dựng chương trình, sách giáo khoa (bắt đầu từ tiểu học), các tài liệu học tập  theo PRMI, các hội thảo chuyên đề về PMRI, thiết lập bản tin PMRI, xây dựng các trung tâm phát triển và nghiên cứu PMRI, thành lập các nhóm chuyên trách về thiết kế,….

Tóm lại, có thể kể ra một số hoạt động và kết quả quan trọng là:

(1) Chương trình Thạc sĩ Quốc tế về Giáo dục toán thực;

(2) Các hội nghị quốc tế về Giáo dục toán thực;

(3) Cuộc thi Toán học (KLM) và Dự án Nhiệm vụ toán học dựa trên Bối cảnh Indonesia;

(4) Cổng thông tin điện tử về Giáo dục toán thực;

(5) Khóa học về Giáo dục Toán thực cho giáo viên Toán THCS ở Đông Nam Á;

(6) Tạp chí Giáo dục Toán học (Journal on Mathematics Education, hiện được chỉ mục trong Scopus, Q2).

Tiếp đó, các hoạt động hợp tác quốc tế giữa Indonesia và Hà Lan về RME vẫn tiếp tục được triển khai, duy trì và phát triển. Năm 2014, một dự án nghiên cứu chung quy mô nhỏ về PMRI đã được bắt đầu giữa UNSRI và Đại học Utrecht. Năm 2015, UNSRI và Đại học Utrecht bắt đầu một chương trình phối hợp mới, và tiếp đó, một chương trình tiến sĩ mới về Giáo dục toán thực đã được xây dựng. Điều này có thể phần nào giải thích cho việc: khoảng từ năm 2017, các nghiên cứu và công bố chuyên sâu, bài bản về RME (theo nghĩa công bố trong các tạp chí chỉ mục trong Scopus) có tác giả đến từ Indonesia  ngày càng nhiều, tốc độ tăng trưởng cao, so với giai đoạn trước đó.

Như vậy, nghiên cứu, vận dụng, phát triển và nhân rộng kết quả nghiên cứu về lí thuyết RME tại Indonesia là một chu trình được thực hiện rất bài bản, trong một khoảng thời gian khá dài, và có thể là một kinh nghiệm đáng được xem xét trong việc đổi mới giáo dục toán học ở các nước khác.

Tác giả: Nguyễn Tiến Trung

 

 Tài liệu tham khảo:

Freudenthal, H. (1973). Mathematics as an Educational Task. In D. Reidel Publishing company. https://doi.org/10.1007/978-94-010-2903-2.

Van den Heuvel-Panhuizen (Ed.) (2019). International Reflections on the Netherlands Didactics of Mathematics. Springer. ISBN 978-3-030-20222-4 ISBN 978-3-030-20223-1 (eBook). https://doi.org/10.1007/978-3-030-20223-1.

Van den Heuvel-Panhuizen, M., & Drijvers, P. (2014). Realistic Mathematics Education. Encyclopedia of Mathematics Education, 521–525. https://doi.org/10.1007/978-94-007-4978-8_170

Ghi chú: * - Giáo dục toán thực: Là cách đặt tên, dịch sang tiếng Việt của tác giả bài viết này.

Bạn đang đọc bài viết Indonesia đã đổi mới GIÁO DỤC TOÁN HỌC như thế nào? tại chuyên mục Khoa học giáo dục và xã hội của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19