Những lưu ý giúp học sinh xét tuyển đại học “đúng và trúng”

GD&TĐ - Thời điểm này, học sinh lớp 12 đang trong giai đoạn nước rút cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 và tuyển sinh đại học. Làm sao để đăng ký “đúng và trúng”, đạt nguyện vọng là điều mọi thí sinh đều quan tâm.
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet)Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet)

Chọn hình thức tuyển sinh phù hợp

Thầy Phạm Phương Bình, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) cho biết: Nhiều trường ĐH công bố phương án xét tuyển trong đó sử dụng nhiều hình thức khác nhau, mỗi hình thức có tỷ lệ xét tuyển phù hợp. Các em cần tham khảo kỹ thông tin về đề án tuyển sinh của các trường. Nếu thấy phù hợp nên tham gia các hình thức như xét tuyển bằng học bạ, bằng điểm bài thi năng lực …

Phần lớn các trường vẫn dành tỷ lệ lớn chỉ tiêu cho xét tuyển bằng điểm thi THPT, do đó các em không được chủ quan và ôn tập thi THPT để đạt kết quả tốt nhất. Đồng thời tập trung vào các môn thi có tổ hợp xét tuyển theo khối, ngành các trường đã công bố.

Thầy Bình chia sẻ thêm,  xét tuyển học bạ là một trong những phương thức có suất vào ĐH, vẫn còn phương thức khác, cơ hội luôn mở cho các em, nhưng không được chủ quan. Vì vậy, phải có kế hoạch học tập, ôn tập tốt để tham gia kỳ thi và đạt kết quả tốt nhất.

Năm 2020 tỷ lệ đậu ĐH của Trường THPT Nguyễn Hữu Huân phân bổ như sau: khoảng 20% học sinh trúng tuyển bằng xét học bạ, 20% bằng điểm bài thi đánh giá năng lực, 60% trúng tuyển bằng điểm thi THPT.

“Các em nên lựa chọn nhiều hình thức cùng lúc như xét tuyển học bạ, thi đánh giá và thi THPT. Khi có kết quả, hình thức nào tốt nhất các em sử dụng để quyết định chọn trường ĐH”, thầy Phạm Phương Bình khuyên.

Giải đáp băn khoăn của một số học sinh về tính an toàn trong phương thức đăng ký xét tuyển trực tuyến, TS Trần Thanh Thưởng - Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác SV, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM cho biết: Hiện, có nhiều trường nhận đăng ký xét tuyển bằng hình thức online. Đây là một trong những hình đăng ký xét tuyển tiện lợi trong mùa dịch bệnh và phù hợp với xu thế chuyển đổi số hiện nay. Đăng ký xét tuyển bằng hình thức  này rất an toàn. Tuy nhiên, học sinh cần làm đúng theo hướng dẫn của từng trường.

Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet)

Đăng ký để “đúng và trúng”?

Theo Ông Mai Tấn Linh, Phó GĐ Sở GD&ĐT Đà Nẵng, để đạt mục tiêu khi thực hiện đăng ký thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, trước hết, thí sinh phải nắm vững quy định về quy chế thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH năm nay. Chú ý theo dõi, cập nhật các thông tin chính thống liên quan đến công tác thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH; lưu ý các mốc thời gian có liên quan như thời gian nộp hồ sơ đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển, các thủ tục hồ sơ cần có... 

Thí sinh cần nắm vững nguyên tắc cơ bản xét tuyển năm nay: Đối với các trường, thí sinh được xét bình đẳng dựa trên kết quả thi, không phân biệt số thứ tự nguyện vọng. Với thí sinh, trong đợt xét tuyển đầu tiên, mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển vào một nguyện vọng cao nhất trong danh sách đã đăng ký. Vì vậy, thí sinh không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng và nên sắp xếp thứ tự nguyện vọng những ngành nào, trường nào mà mình yêu thích hoặc ngành nào khó, trường khó lên trên, không nên xếp theo thứ tự ưu tiên trường dễ trúng tuyển lên trên.

"HS hay phân vân mình nên theo học trường nào, học nghề gì. Nhưng kinh nghiệm là trước hết, các em phải xác định mình hợp với nghề gì, xác định đúng năng lực bản thân. Nếu các em còn phân vân trong việc xác định sở trường của bản thân có thể tham khảo ý kiến của người thân, thầy cô. Trên cơ sở xác định được nghề gì là phù hợp với bản thân, các em mới chọn ngành học nào để có thể làm được nghề đó rồi mới đến lựa chọn theo học trường nào, bậc học nào phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình" - Ông Mai Tấn Linh, Phó GĐ Sở GD&ĐT Đà Nẵng.

Nhấn mạnh các điểm mới của quy chế thi năm nay, Thầy Phạm Phương Bình lưu ý các em học sinh: Mục số 21 của phần thông tin dùng để xét tuyển sinh vào ĐH, thí sinh chỉ được chọn một phương thức đăng ký nguyện vọng xét tuyển: hoặc trực tuyến (điểm a) hoặc bằng phiếu (điểm b).

Ở mục này học sinh nên chọn hình thức bằng phiếu để bộ phận học vụ nhập cho chính xác và kiểm dò. Theo kinh nghiệm các năm, trò rất dễ nhầm lẫn và sai sót khi tự đăng ký. Các em cần thực hiện việc sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự từ trên xuống dưới (nguyện vọng 1 là nguyện vọng ưu tiên cao nhất).

Phải sử dụng email, số điện thoại của cá nhân mình, không được mượn email và số điện thoại của người khác. Sau khi hoàn tất dữ liệu đăng ký phải kiểm tra lại thông tin trên hệ thống và đổi mật khẩu để xác nhận và quản lý thông tin bản thân.

Còn theo TS Trần Thanh Thưởng, để tăng khả năng trúng tuyển, thí sinh nên đăng ký xét tuyển bằng nhiều phương thức khác nhau (xét tuyển bằng học bạ, xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT...). Tuy nhiên, kết quả trúng tuyển học bạ sẽ có trước, em phải làm thủ tục xác nhận nhập học (nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả thi). Nếu em thấy điểm thi THPT cao có thể từ chối kết quả xét tuyển học bạ bằng cách không nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả thi.

“Để chọn một ngành học “đúng và trúng”, việc đầu tiên nên chọn ngành phù hợp với năng lực và sở thích, đồng thời xem xét đến yếu tố ngành học đó có nhu cầu về cơ hội việc làm trong tương lai. Tiếp đến, chọn những trường có đào tạo ngành học đó và chọn nhiều nguyện vọng tương ứng với hệ đại trà, hệ chất lượng cao. Ngoài ra, các em cần lưu ý chọn thêm nguyện vọng về một số ngành có nhu cầu việc làm cao trong tương lai nhưng ít trường đào tạo” - TS Trần Thanh Thưởng.
Nguồn tin: Báo Giáo dục và Thời đại
Bạn đang đọc bài viết Những lưu ý giúp học sinh xét tuyển đại học “đúng và trúng” tại chuyên mục Tin tức, sự kiện của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19