10 nghiên cứu nổi bật về giáo dục trong năm 2020

Các biên tập viên của chuyên trang Edutopia đã duyệt qua hàng trăm nghiên cứu về lĩnh vực giáo dục được công bố vào năm 2020, từ đó chọn ra 10 công trình nổi bật nhất - bao gồm nhiều chủ đề phong phú, từ các mô hình học tập ảo, “cuộc chiến” đọc đến sự “thoái trào" của các bài kiểm tra trình độ. Tạp chí Giáo dục trân trọng giới thiệu quý bạn đọc bài viết của Youki Terada và Stephen Merrill với tiêu đề “The 10 Most Significant Education Studies of 2020”.

Có thể nói, 2020 là một năm có khá nhiều biến động. Trước tình hình đại dịch làm gián đoạn mọi hoạt động đời sống trên toàn cầu, các giáo viên đã không ngừng cố gắng chuyển đổi các lớp học “vật lý" truyền thống sang các lớp học “ảo” - hoặc thậm chí là kết hợp cả hai mô hình; và trước sự thay đổi này, các nhà nghiên cứu bắt đầu thu thập dữ liệu về các mô hình học tập trực tuyến trên khắp thế giới, trong đó, tập trung vào các kết quả và hạn chế của những mô hình dạng này.

Trong khi đó, các nhà thần kinh học đã đưa ra một ví dụ rất thuyết phục để củng cố luận điểm cần duy trì việc viết tay của học sinh trong trường học; và sau khi một số nhà máy nhiệt điện (than) ở Chicago bị đóng cửa, các nhà nghiên cứu đã báo cáo việc số lượng các ca cấp cứu nhi khoa đã giảm và học sinh cũng ít vắng mặt ở trường hơn so với trước đó - thực tế này đã đặt ra cho chúng ta câu hỏi liệu bình đẳng giáo dục có thực sự bắt đầu và kết thúc chỉ sau cánh cổng trường học hay không.

Nguồn: Edutopia

1. Muốn dạy trẻ em từ vựng, hãy để chúng được làm… diễn viên!

Khi học sinh học một ngôn ngữ mới, các giáo viên nên yêu cầu trẻ diễn đạt các từ vựng. Tất nhiên, thật thú vị khi có thể khám phá được thế giới nội tâm của trẻ, theo kết quả của một nghiên cứu được thực hiện trong năm 2020, phương pháp này cũng giúp nâng cao vốn từ vựng của học sinh (gần gấp đôi) chỉ sau vài tháng.

Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã yêu cầu một nhóm học sinh 8 tuổi nghe các từ vựng của một ngôn ngữ khác, sau đó sử dụng tay và cơ thể để diễn tả chúng. Chẳng hạn như dang rộng cánh tay hay giả vờ bay khi học từ “flugzeug" trong tiếng Đức - có nghĩa là “máy bay”. Sau hai tháng, những “diễn viên nhí” này có khả năng nhớ từ mới cao hơn 73% so với những học sinh chỉ nghe mà không có cử chỉ kèm theo. Các nhà nghiên cứu cũng thu được ra kết quả tương tự đối với một phương pháp khác ít “kịch" hơn, đó là cho học sinh vừa xem tranh vừa nghe từ vựng tương ứng.

Đây là một trong những gợi ý khá đơn giản dành cho các giáo viên, nếu họ muốn học sinh mình ghi nhớ điều gì đó, hãy khuyến khích trẻ học bằng nhiều cách khác nhau - ví dụ: bằng cách vẽ, diễn xuất hoặc ghép nối những từ đó với các hình ảnh liên quan.

2. Các nhà thần kinh học tiếp tục “bảo vệ” quan điểm duy trì việc viết tay trong trường học - một lần nữa

Đối với hầu hết trẻ em, gõ bàn phím máy tính không phải là giải pháp cho tất cả. Năm 2012, các nhà nghiên cứu đã thực hiện quét não những trẻ em chưa biết chữ và nhận thấy rằng, mạch thần kinh quan trọng phụ trách việc đọc đã được kích hoạt khi đứa trẻ viết một chữ cái ra bằng tay và cố gắng đọc thành tiếng. Hiệu ứng này gần như không xuất hiện khi trẻ gõ hoặc chỉ tay vào con chữ in sẵn.

Gần đây, trong năm 2020, một nhóm các nhà nghiên cứu đã tiến hành khảo sát những học sinh ở độ tuổi lớn hơn (lớp 7) trong các thời điểm trẻ đang viết tay, vẽ hay gõ chữ, sau đó đưa ra kết luận rằng việc chép tay hoặc vẽ hình tạo ra các dấu hiệu thần kinh thể hiện mức độ nhận thức cao trên phương diện học thuật.

“Nếu kết hợp vận động vào phương pháp học tập, não bộ của chúng ta sẽ được kích thích hơn,” các nhà nghiên cứu giải thích và nhấn mạnh lại kết quả của nghiên cứu tiến hành năm 2012: “Dường như các chuyển động liên quan đến việc gõ bàn phím không kích hoạt các mạng lưới này theo cách tương tự như khi ta viết tay".

Tuy nhiên, sẽ là một sai lầm nếu thay thế hoàn toàn việc đánh máy bằng chép tay. Ngày nay, trẻ em cần phải phát triển các kỹ năng liên quan đến công nghệ, kỹ thuật số và có bằng chứng cho thấy công nghệ giúp những trẻ mắc chứng khó đọc vượt qua những trở ngại như việc ghi chép bài hay chữ viết tay khó đọc, nhờ đó cuối cùng sẽ giúp các em được “giải phóng” để “sử dụng thời gian của mình cho những việc mà các em có năng khiếu", Trung tâm nghiên cứu Chứng khó đọc và Sáng tạo Yale (Yale Center for Dyslexia and Creativity) cho biết.

3. Bài thi ACT bị “chấm” điểm số… âm!

Một nghiên cứu công bố trong năm 2020 khác cho thấy điểm thi ACT, vốn là một yếu tố quan trọng trong việc tuyển sinh đại học, song lại phản ánh mối quan hệ có phần mơ hồ, thậm chí tiêu cực, trong việc dự đoán sự thành công của học sinh khi vào đại học. Các nhà nghiên cứu giải thích: “Có rất ít bằng chứng cho thấy học sinh sẽ thành công hơn ở đại học nếu họ nỗ lực cải thiện điểm ACT của mình", và những học sinh có điểm ACT cao - nhưng lại không đạt kết quả tốt ở trường học - thường có xu hướng kém thành công hơn ở bậc đại học và bị “khuất phục” bởi sự khắc nghiệt của lịch trình học tập ở trường đại học.

Mới chỉ ngay năm ngoái, kỳ thi SAT - “người anh em" của ACT - cũng được chứng minh là có xu hướng tương tự. Trong một nghiên cứu lớn tiến hành năm 2019 trên 50.000 học sinh do nhà nghiên cứu Brian Galla dẫn đầu, có sự tham gia của Angela Duckworth, các học giả nhận thấy rằng điểm số ở trường trung học là yếu tố dự báo khả năng hoàn thành chương trình học tập bậc đại học của sinh viên mạnh hơn so với điểm SAT.

Vậy nguyên nhân  ở đây là gì? Các nhà nghiên cứu khẳng định, điểm học tập của 4 năm học trung học là chỉ số đánh giá các kỹ năng quan trọng, chẳng hạn như sự kiên trì, quản lý thời gian và khả năng tránh bị phân tâm của học sinh tốt hơn. Cuối cùng, đó cũng chính là những kỹ năng hỗ trợ cho học sinh khi các em bước vào môi trường đại học.

4. Một dòng chữ có thể làm giảm thực trạng phân biệt sắc tộc khi chấm điểm?

Một nghiên cứu mới cho thấy, một hướng đi đơn giản có thể giúp giảm thiểu tác động xấu của sự thiên vị trong khi chấm điểm, đó là: Làm rõ các tiêu chuẩn của bạn trước khi bắt đầu chấm điểm và thường xuyên tham khảo các tiêu chuẩn đó trong quá trình chấm.

Vào năm 2020, hơn 1.500 giáo viên đã được lựa chọn và yêu cầu chấm điểm một bài văn mẫu của một học sinh lớp 2 không có thật. Tất cả nội dung của các bài làm đều giống nhau, tuy nhiên trong một nhóm bài, các học sinh đề cập đến một thành viên trong gia đình tên Dashawn, trong khi một nhóm bài làm khác lại đề cập đến một anh chị em tên là Connor.

Kết quả cho thấy, tỉ lệ giáo viên chấm cho bài thi có tên “Connor” điểm đỗ cao hơn đến 13% so với nhóm bài làm còn lại, từ đó hé lộ những lợi thế vô hình mà nhiều học sinh vô tình được hưởng. Nguyên nhân của hiện tượng trên được tác giả giải thích rằng, chính vì do tiêu chí chấm điểm không rõ ràng mà có nhiều định kiến mang tính chủ quan ngầm hiện hữu trong quá trình chấm điểm. Ngược lại, khi giáo viên có một bộ tiêu chí rõ ràng để chấm điểm, chẳng hạn, yêu cầu học sinh “kể lại chi tiết diễn biến của một sự kiện” - sự khác biệt về điểm số giữa các nhóm bài gần như được loại bỏ.

5. Nhà máy nhiệt điện than thì có liên quan gì đến chuyện học tập của học sinh? Có đấy!

Khi ba nhà máy nhiệt điện than bị đóng cửa ở khu vực Chicago, số lượng học sinh nghỉ học ở các trường lân cận nhà máy đã giảm 7%, sự thay đổi này chủ yếu là do số lượng trẻ em phải đến phòng cấp cứu vì các vấn đề liên quan đến hen suyễn đã giảm hẳn. Trong một phát hiện gây nhiều bất ngờ được công bố năm 2020, các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Duke và Penn State đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của các yếu tố môi trường vốn thường bị con người ngó lơ - ví dụ như chất lượng không khí, tội phạm khu vực và ô nhiễm tiếng ồn - trong việc đảm bảo sức khoẻ của trẻ em cũng như giúp các em tập trung vào việc học hơn.

Về quy mô, chi phí cơ hội là đáng kinh ngạc: Khoảng 2,3 triệu trẻ em ở Hoa Kỳ vẫn đang theo học tại một trường tiểu học hoặc trung học cơ sở công lập nằm trong bán kính 10km tính từ các nhà máy nhiệt điện.

Nghiên cứu được xây dựng dựa trên nhiều côn bố đi trước cho rằng sự bình đẳng giáo dục thường không bắt đầu từ ngưỡng cửa nhà trường. Cái mà chúng ta gọi là khoảng cách thành tích (achievement gap) thường được xem là khoảng cách công bằng, một khoảng cách “có nguồn gốc từ những tháng năm đầu đời của trẻ em", theo một nghiên cứu năm 2017. Các nhà nghiên cứu đã khuyến cáo rằng chúng ta sẽ khó có cơ hội đạt được sự bình đẳng tuyệt đối trong trường học, trừ khi chúng ta nỗ lực đối mặt với sự bất bình đẳng ấy ngay ở thành phố hay khu vực nơi mình sinh sống - và thậm chí là ngay ở sân sau nhà mình.

6. Những học sinh, sinh viên biết đặt ra nhiều câu hỏi hay thường có kết quả học tập tốt

Một số phương pháp học tập phổ biến nhất hiện nay như đánh dấu các đoạn văn trong sách, đọc lại ghi chú và gạch chân các câu “khoá” trong bài thường được coi là những phương pháp kém hiệu quả nhất. Bởi lẽ đó, một nghiên cứu công bố năm 2020 đã đưa ra một số giải pháp nổi bật thay thế: yêu cầu sinh viên đưa ra các câu hỏi liên quan đến bài học của chính họ, rồi sau đó dần dần động viên các em đặt thêm nhiều câu hỏi nữa.

Trong nghiên cứu này, những sinh viên đã đọc trước tài liệu ở nhà và tự đặt câu hỏi của riêng họ trên lớp sau đó đã đạt điểm số trung bình cao hơn 14% so với những sinh viên sử dụng các phương pháp học tập thụ động như học theo những nội dung ghi chép được và đọc lại tài liệu trên lớp. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, việc đưa ra các câu hỏi giúp sinh viên không chỉ có cái nhìn sâu hơn về vấn đề mà còn củng cố khả năng ghi nhớ những gì họ đang học.

Có khá nhiều cách thú vị để giúp sinh viên đưa ra những câu hỏi đạt hiệu quả cao. Chẳng hạn, khi ra đề bài kiểm tra, bạn có thể yêu cầu học sinh tự đặt ra câu hỏi của riêng các em hoặc bạn có thể sử dụng trò chơi Jeopardy! làm nền tảng để sinh viên tham gia đặt những câu hỏi của riêng họ.

7. Một nghiên cứu công bố năm 2020 có thể đặt dấu chấm hết cho “cuộc chiến đọc” hay không?

Một trong những chương trình khuyến khích đọc sách được sử dụng phổ biến và nổi tiếng nhất đã bị giáng một đòn nặng nề khi một hội đồng các chuyên gia kết luận rằng “chương trình này khó có thể giúp tất cả các học sinh công lập ở Mỹ thành thạo mặt chữ".

Trong nghiên cứu được công bố năm 2020 này, các chuyên gia phát hiện ra rằng chương trình gây tranh cãi “Units of Study" được phát triển suốt bốn thập kỷ qua bởi Lucy Calkins, công tác tại dự án Teachers College Reading and Writing Project - không dạy cho độc giả trẻ cách “giải mã” chữ viết một cách rõ ràng và có hệ thống, do đó kết quả nghiên cứu này “đối lập trực tiếp với số lượng lớn các nghiên cứu đã thực hiện trước đó".

Nghiên cứu này đã gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh đối với những phương pháp hạ thấp vai trò của việc dạy học qua hệ thống ngữ âm (phonics), vốn có lợi trong việc giúp trẻ sử dụng được nhiều nguồn thông tin - như các sự kiện hoặc hình ảnh minh hoạ - để dự đoán ý nghĩa của các từ không quen thuộc, một cách tiếp cận thường được kết hợp với ‘kỹ năng đọc viết cân bằng’ (balanced literacy). Trong một báo cáo nội bộ do nhà xuất bản APM thu được, Calkins dường như thừa nhận quan điểm này và nói rằng “các khía cạnh của việc đọc viết cân bằng cần một vài sự ‘tái cân bằng’”.

8. Bí mật của những lớp học ảo năng suất cao

Năm 2020. một nhóm nghiên cứu công tác tại Đại học bang Georgia đã biên soạn một báo cáo về các phương pháp hay nhất áp dụng cho các ‘học tập ảo': Mặc dù bằng chứng trong lĩnh vực này đến nay vẫn còn ‘thưa thớt' và ‘không nhất quán', báo cáo lưu ý rằng các vấn đề hậu cần, chẳng hạn như việc truy cập các nguồn tài nguyên phục vụ học tập - chứ không phải là vấn đề liên quan đến nội dung chuyên môn như việc học sinh không hiểu bài - mới là một trong những trở ngại đáng kể nhất đối với việc học trực tuyến. Chẳng hạn, không phải học sinh không hiểu về sự quang hợp trong môi trường ảo - mà là họ không tìm thấy (hoặc đơn giản là không truy cập được vào) bài học về sự quang hợp.

Về cơ bản, kết quả này tương tự như kết quả của một nghiên cứu tiến hành từ năm 2019, trong đó nhấn mạnh nhu cầu thiết yếu của việc tổ chức các ‘lớp học ảo’ hơn là ‘lớp học vật lý'. Các giáo viên khi giảng dạy ‘từ xa' nên sử dụng một phương tiện duy nhất, chuyên dụng dành cho việc phân phối các tài liệu quan trọng như bài tập; đơn giản hoá việc thông tin liên lạc và nhắc nhở học sinh thông qua một kênh duy nhất như email hoặc tin nhắn điện thoại; đồng thời giảm bớt những chi tiết gây rối mắt, như tránh sử dụng phông chữ khó đọc hay các hoạ tiết trang trí không cần thiết trong ‘lớp học ảo'.

Bởi vì các công cụ này vẫn đều còn mới đối với mọi người, do đó việc phản hồi và góp ý thường xuyên về những khía cạnh kĩ thuật, chẳng hạn như khả năng tiếp cận hay tính dễ sử dụng của các công cụ kỹ thuật này là rất quan trọng. Giáo viên nên tạo các bài khảo sát đơn giản với những câu hỏi như “Bạn có gặp phải sự cố kỹ thuật nào không" hay “Bạn có thể tải bài tập về nhà của mình một cách dễ dàng?” để đảm bảo rằng học sinh được trải nghiệm một không gian học tập ảo chất lượng.

9. Bạn muốn học ngoại ngữ? Điều đáng ngạc nhiên là, kĩ năng lập trình có thể giúp bạn học ngoại ngữ tốt hơn!

Một nghiên cứu khác công bố trong năm 2020 cho thấy việc học cách lập trình có nhiều nét tương đồng với việc học một ngôn ngữ nước ngoài, chẳng hạn như tiếng Trung hay tiếng Tây Ban Nha hơn cả học toán - ngược lại hoàn toàn với những quan niệm trước đây của mọi người khi nghĩ đến các yếu tố giúp bạn trở thành một lập trình viên giỏi.

Trong nghiên cứu này, những người trẻ tuổi chưa có kinh nghiệm lập trình được yêu cầu học Python, một ngôn ngữ lập trình phổ biến; sau đó họ thực hiện một loạt bài kiểm tra đánh giá kỹ năng giải quyết vấn đề, toán học và ngôn ngữ. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng kỹ năng toán học chỉ chiếm 2% khả năng học lập trình của một người, trong khi kỹ năng ngôn ngữ lại chứng tỏ được sự hữu ích hơn gấp gần 9 lần, chiếm tới 17% khả năng học lập trình của mọi người.

Đây thực sự là một thông tin quan trọng bởi trên thực tế, các lớp học lập trình thường xuyên yêu cầu học sinh phải hoàn thành các khóa học về toán nâng cao — một rào cản không cần thiết khiến họ mất đi những học sinh có tiềm năng, theo công bố của các nhà nghiên cứu.

10. Các nhà nghiên cứu nghi ngờ tác dụng của những bài tập đọc hiểu, chẳng hạn như “tìm ý chính trong văn bản”

“Nội dung là sự lĩnh hội”, một nghiên cứu của Viện Fordham năm 2020 tuyên bố điều này - ý tưởng thoạt nghe giống như một sự thách thức, bởi nó đưa ra một luận điểm chắc nịch cho cuộc tranh luận đang diễn ra liên quan đến nên chú trọng dạy kỹ năng đọc hiểu hay dạy kiến ​​thức cho học sinh.

Nghiên cứu kết luận, mặc dù học sinh tiểu học dành một lượng lớn thời gian để luyện tập các kỹ năng như “tìm ý chính" hay “tóm tắt" một văn bản - những bài tập được đưa ra trên cơ sở cho rằng đọc là một khả năng trừu tượng và có thể huấn luyện được, và rằng việc đọc có thể giúp mang đến những kiến thức thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhưng, trên thực tế, các “độc giả” trẻ dường như không “thu nạp thêm được những điều mà các nhà giáo dục kỳ vọng thông qua việc đọc sách".

Vậy thì điều gì mới giúp được các sinh viên này có thêm tri thức? Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu thu được từ hơn 18.000 học sinh K-5, trong đó tập trung vào lượng thời gian mà các em dành cho các môn học như toán, nghiên cứu xã hội và tiếng Anh, và nhận thấy rằng “nghiên cứu xã hội là môn học duy nhất có tác dụng cải thiện khả năng đọc của học sinh một cách tích cực, rõ ràng và có ý nghĩa thống kê”. Trên thực tế, việc cho trẻ tiếp xúc với nội dung phong phú từ môn giáo dục công dân, lịch sử và pháp luật dường như khiến việc dạy đọc hiệu quả hơn các phương pháp dạy đọc hiện tại của chúng ta.

Có lẽ quan điểm có tính “thách thức” các quan niệm truyền thống này không hẳn là một sự “thách thức” nữa: Các kết luận của nhóm nghiên cứu đến từ Viện Fordham cũng đang nhanh chóng trở thành quan niệm chung — và thực tế còn mở rộng ra ngoài việc đọc các văn bản thuộc lĩnh vực nghiên cứu xã hội. Theo Natalie Wexler, tác giả của cuốn sách được đón nhận nồng nhiệt vào năm 2019 - The Knowledge Gap, nội dung kiến ​​thức và đọc là hai quá trình có vai trò đan xen. “Học sinh có nhiều kiến ​​thức [nền tảng] hơn sẽ có cơ hội hiểu rõ hơn bất cứ văn bản nào mà họ gặp phải. Họ có thể tìm được những thông tin về chủ đề đó từ trí nhớ dài hạn (long-term memory) của họ, từ đó dành nhiều không gian hơn cho trí nhớ ngắn hạn (working memory) để lĩnh hội tri thức có được từ việc đọc”, bà chia sẻ với chuyên trang Edutopia.

Nguồn

Youki Terada và Stephen Merrill (2020). The 10 Most Significant Education Studies of 2020. Edutopia.

Vân An lược dịch

 

Bạn đang đọc bài viết 10 nghiên cứu nổi bật về giáo dục trong năm 2020 tại chuyên mục Khoa học giáo dục và xã hội của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19