PHƯƠNG PHÁP VIẾT MỤC BỐI CẢNH NGHIÊN CỨU

Nếu như những kết quả khám phá chiếm vị trí ưu tiên trong nghiên cứu của bạn thì việc xác định bối cảnh của nghiên cứu cũng mang giá trị quan trọng như vậy. Một bối cảnh được viết hoàn chỉnh sẽ mang đến cho nghiên cứu của bạn một hoàn cảnh đặc trưng và thúc đẩy người đọc tiếp tục với những phần còn lại của nghiên cứu.

Tuy nhiên, hầu hết các tác giả đều thấy khó khăn với quá trình viết phần bối cảnh nghiên cứu. Hay một vấn đề phổ biến khác mà họ gặp phải là làm sao phân biệt được giữa bối cảnh nghiên cứu (background) và cơ sở lý thuyết (literature review) mà đây đều là những khía cạnh then chốt của bất kì bài báo nghiên cứu nào. Hai thuật ngữ này thường được sử dụng thay thế cho nhau, tuy nhiên chúng đều có những chức năng riêng được phân định rõ ràng. Vì vậy, bài viết này sẽ bao gồm những yếu tố cơ bản của việc viết bối cảnh nghiên cứu và lý giải sự khác biệt của phần này so với phần cơ sở lý thuyết.

Bối cảnh nghiên cứu

Phần bối cảnh thiết lập một hoàn cảnh cần tiến hành nghiên cứu khoa học. Phần này lý giải nguyên nhân vì sao một vấn đề nghiên cứu cụ thể lại quan trọng và thiết yếu trong việc hiểu được những khía cạnh chính trong bài nghiên cứu. Thông thường, phần bối cảnh nằm ở mục đầu tiên của bài báo nghiên cứu, luận án và chứng minh được sự cần thiết của việc tiến hành nghiên cứu cũng như tóm tắt mục đích mà nghiên cứu mong muốn đạt được.

Cách xây dựng cấu trúc cho phần bối cảnh nghiên cứu

Trong mục này, các tác giả thường phải phác thảo quá trình phát triển của chủ đề nghiên cứu hiện tại qua cơ sở tài liệu từ trước đến nay. Nếu như nghiên cứu đó có tính chất liên ngành, phần bối cảnh này cũng nên diễn giải những ngành khác nhau có liên kết như thế nào và những khía cạnh nào của mỗi ngành sẽ được đưa vào nghiên cứu.

Thêm vào đó, các tác giả nên ngắn gọn nhấn mạnh những mốc phát triển chính của chủ đề nghiên cứu và chỉ ra những khoảng trống cần được giải quyết. Nói cách khác, mục này nên đưa đến tổng quan của bài nghiên cứu và được tổ chức cấu trúc theo hướng sau:

-  Bao quát về chủ đề nghiên cứu, những điều gì đã được biết đến?

- Những khoảng trống hoặc liên kết nào còn thiếu trong vấn đề đó cần được giải quyết?

-  Tầm quan trọng của việc giải quyết những khoảng trống ấy?

-  Những lý do cơ bản và giả thuyết của nghiên cứu ấy là gì?

Vì vậy, mục bối cảnh nghiên cứu nên cung cấp những thông tin chung cũng như nhấn mạnh những mục đích chính của nghiên cứu. Cần đảm bảo rằng khi viết, chỉ thảo luận những khía cạnh chính và thích đáng trong nghiên cứu mà làm nổi bật mục đích của người viết. Không nên bàn luận chi tiết thêm bởi nội dung đó sẽ có trong mục cơ sở lý thuyết (literature review). Trong mục bối cảnh nghiên cứu, những kết quả nghiên cứu nên được thảo luận theo trình tự thời gian để làm nổi bật quá trình phát triển của lĩnh vực cũng như những điểm còn thiếu đang cần được giải quyết. Mục bối cảnh nghiên cứu này cũng nên được viết như một bản sơ lược những diễn giải cho những nghiên cứu trước đây của tác giả và đề ra những mục tiêu đạt được trong nghiên cứu lần này.

Làm sao để khiến mục bối cảnh nghiên cứu hấp dẫn hơn

Do chứa đựng rất nhiều thông tin, mục bối cảnh này rất dễ bị dài dòng và biến thành phần cản trở khiến người đọc mất đi hứng thú. Để đảm bảo mục này được lôi cuốn, người viết nên cố gắng xây dựng một hệ thống sự kiện, sự việc có liên hệ với chủ đề chính của bài nghiên cứu.

Cần đảm bảo rằng hệ thống ấy vẫn tuân theo ý tưởng cốt lõi mà không sa đà thành một phần tổng hợp lý thuyết tổng quát. Mỗi ý tưởng nên dẫn tới ý tiếp theo để người đọc có thể nắm rõ toàn bộ hệ thống và tự họ xác định được những khoảng trống mà bài nghiên cứu đó sẽ tiến hành giải quyết.

Cách phòng tránh những lỗi thường gặp trong khi viết bối cảnh nghiên cứu

Để có được phần bối cảnh hiệu quả, tác giả nên ngăn một vài lỗi trong suốt quá trình viết của mình. Những lỗi phổ biến nhất thường gặp cũng như cách điều chỉnh bao gồm những điều như sau:

-     Không nên viết quá dài hoặc quá ngắn, tập trung bao hàm tất cả những chi tiết quan trọng một cách ngắn gọn, súc tích.

-     Không nên viết mập mờ, không rõ nghĩa. Cách viết mà không thể truyền đạt ý tưởng tới người đọc làm mất mục đích của phần bối cảnh nghiên cứu này. Vì vậy, khi diễn đạt ý tưởng của mình, cần ghi nhớ rằng người đọc đang không biết gì cụ thể về nghiên cứu của bạn.  

-    Không nên bàn luận những chủ đề không liên quan. Cố gắng tập trung phần bàn luận xung quanh những khía cạnh trọng yếu của nghiên cứu, ví dụ như nhấn mạnh những khoảng trống trong lý thuyết, nhận định về tính mới lạ của nghiên cứu và điểm cần thiết để tiến hành nghiên cứu đó.

-    Không nên trình bày thiếu hệ thống. Việc không thảo luận các chủ đề theo trình tự thời gian có thể gây ra bối rối ở phía người đọc về trình tự của khía cạnh nghiên cứu, vì vậy nên cố gắng sắp xếp và tổ chức những điều bạn định viết một cách cẩn thận.

 Bối cảnh nghiên cứu khác với cơ sở lý thuyết như thế nào

Nhiều tác giả thấy khó khăn trong việc phân định sự khác biệt giữa cơ sở lý thuyết và bối cảnh nghiên cứu. Mục cơ sở lý thuyết nên theo sau mục bối cảnh nghiên cứu theo hướng đó là phần thứ hai của bản thảo. Mục này bổ trợ một cách cơ bản cho mục bối cảnh nghiên cứu bằng cách cung cấp những dẫn chứng cho phần giả thuyết đã được đề xuất. Mục này nên bao quát và mô tả tỉ mỉ tất cả những nghiên cứu đã đề cập trong mục bối cảnh nghiên cứu. Nó cũng nên bàn luận chi tiết tất cả những nghiên cứu tạo nên dẫn chứng cho nghiên cứu hiện tại và bàn luận về những xu hướng đang có.

Để viết được mục này, người viết cần thực hiện quá trình tìm hiểu tỉ mỉ về lý thuyết của những nghiên cứu khác nhau mà có liên quan đến chủ đề bao quát của nghiên cứu đang được thực hiện. Việc này sẽ dẫn người viết tới lĩnh vực của bài nghiên cứu. Sau đó, người viết nên trình bày một khảo sát có tính tập trung hơn về những nghiên cứu cụ thể có liên kết với mục tiêu rõ ràng của việc nghiên cứu. Sắp xếp những nghiên cứu theo hướng có chủ đề và thảo luận theo trình tự thời gian là điều lý tưởng để người đọc có nhận thức về sự tiến triển và quy trình của lĩnh vực đó. Nói cách khác, những chủ đề riêng biệt nên được bàn luận theo sắp xếp theo chiều dọc để làm nổi bật cách mà những nghiên cứu trong các lĩnh vực đó đã phát triển như thế nào qua thời gian. Điều này sẽ nhấn mạnh những điều đã được thực hiện và những điều mà các định hướng sau này cần làm dựa trên đó.

Thúy Quỳnh dịch

Rishibha Sachdev (2018). How to write the background of your study. Editage Insights

Bạn đang đọc bài viết PHƯƠNG PHÁP VIẾT MỤC BỐI CẢNH NGHIÊN CỨU tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19