Hội thảo Giáo dục Việt Nam 2021: Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo

“Văn hóa học đường là những gì đang diễn ra trong trường học, đang được sử dụng để vận hành nhà trường - khi đạt tới chuẩn và các giá trị thì đó là văn hóa học đường. Trong nhà trường hoạt động quan trọng nhất là dạy và học, quan hệ quan trọng nhất là quan hệ giữa thầy và trò, các giá trị có thể khái quát nhất chính là chân - thiện - mỹ”. Đây là phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tại Hội thảo Giáo dục Việt Nam 2021 với chủ đề “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo”.

Quang cảnh Hội thảo tại điểm cầu trụ sở Quốc hội

Hội thảo do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục (VHGD) của Quốc hội phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 21/11. Dự Hội thảo có Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Chủ nhiệm Ủy ban VHGD của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn; cùng lãnh đạo Ủy ban VHGD của Quốc hội, Bộ GDĐT, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo, nhà quản lý đến từ viện nghiên cứu, Sở GDĐT, cơ sở giáo dục và đào tạo trên toàn quốc.

Tiếp tục hoàn thiện văn bản quy định về văn hóa học đường

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Thế hệ trẻ là mầm non, là tương lai của đất nước, rèn luyện, hoàn thiện nhân cách cho học sinh là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Xây dựng văn hoá học đường là cơ sở, là nền tảng để đạt mục tiêu đó; góp phần thực hiện sứ mạng, giá trị, mục tiêu giáo dục của nhà trường theo hướng chân - thiện - mỹ.

Văn hoá học đường chính là vấn đề quan trọng thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, những con người có đủ đức, đủ tài đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới và xu thế hội nhập quốc tế. Đây là nhiệm vụ cấp bách và rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống, xã hội; trong đó có giáo dục và đào tạo.

Chia sẻ về những việc đã làm được và những vấn đề còn tồn tại trong văn hóa học đường, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội yêu cầu trên cơ sở ý kiến đại biểu tại Hội thảo, các cơ quan quản lý nhà nước theo thẩm quyền cần xây dựng đề án, chương trình, kế hoạch về tăng cường hoạt động xây dựng văn hóa học đường, hệ giá trị văn hóa trong trường học đáp ứng yêu cầu của thời đại mới.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo Hội thảo

Tham luận về thực trạng và định hướng xây dựng văn hóa học đường đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Thứ trưởng Bộ GDĐT Ngô Thị Minh cho biết: Xác định văn hóa học đường là một môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ thành những con người phát triển toàn diện đức - trí  - thể - mỹ, ngành Giáo dục đã tập trung chỉ đạo quyết liệt nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh việc giáo dục đạo đức, lối sống, thẩm mỹ, ứng xử văn hóa và kỹ năng sống cho trẻ em, học sinh, sinh viên.

Nhiều văn bản chỉ đạo đã được ban hành, trong đó, 100% cơ sở giáo dục đã xây dựng kế hoạch và triển khai xây dựng Bộ quy tắc ứng xử. Việc lồng ghép giáo dục văn hóa học đường trong chương trình giáo dục chính khóa đang dần hiệu quả, phù hợp; đặc biệt Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã chuyển định hướng sang chú trọng phát triển cả phẩm chất và năng lực cho người học. Đổi mới dạy và học môn đạo đức, giáo dục công dân, sinh hoạt Đoàn, Đội; tăng cường liên hệ với thực tiễn, các tấm gương người thực việc thực; đề cao trách nhiệm của các thầy cô giáo tham gia giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, thầy cô giáo phải gương mẫu mọi nơi, mọi lúc.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tham luận của Thứ trưởng Ngô Thị Minh cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong xây dựng văn hóa học đường hiện nay như: việc tổ chức các phong trào thi đua, cuộc vận động của ngành Giáo dục ở một số địa phương, cơ sở giáo dục còn hình thức; sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể trong trường học thiếu chặt chẽ; cơ sở vật chất nhiều nơi còn thiếu thốn; nội dung, hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục văn hóa học đường ở một số nơi còn khô cứng, thiếu hấp dẫn…

Thứ trưởng Bộ GDĐT Ngô Thị Minh phát biểu tham luận tại Hội thảo

Định hướng tiếp tục xây dựng văn hóa học đường trong thời gian tới, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho biết: Bộ GDĐT sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo quy định về văn hóa học đường; thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục, bảo đảm an toàn cho học sinh; các nhà trường thực hiện hiệu quả Bộ quy tắc ứng xử; đẩy mạnh đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, sinh hoạt Đoàn, Đội; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin kết nối phụ huynh với học sinh, thầy cô với nhà trường…

Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến của nhà quản lý, các chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá, phân tích thực trạng văn hoá học đường, mặt được, mặt chưa được, nguyên nhân và xác định những vấn đề trọng tâm cần tập trung giải quyết. Đồng thời, đưa ra các khuyến nghị cơ chế, chính sách xây dựng văn hoá học đường trong, ngoài nhà trường và trên môi trường mạng; đề xuất các giải pháp cụ thể với cơ quan quản lý nhà nước, địa phương, cơ sở giáo dục về xây dựng văn hóa học đường, khắc phục tồn tại hạn chế, đẩy lùi bệnh thành tích, tôn vinh sự trung thực trong giáo dục, phấn đấu đạt mục tiêu “Học thật, thi thật, nhân tài thật”.

Tuân thủ pháp luật, tuân thủ nguyên tắc - yếu tố đầu tiên của văn hóa học đường

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao ý nghĩa chủ đề của hội thảo, bởi văn hóa học đường là vấn đề vừa nóng, vừa sâu xa để hướng tới chất lượng, giá trị, đẳng cấp của trường học, qua đó phát triển giá trị con người trong mỗi học sinh.

Ghi nhận những ý kiến tham luận, thảo luận tại hội thảo đã lưu ý, khơi gợi, phân tích nhiều vấn đề, góc nhìn đa chiều, đa dạng, qua đó cho thấy sự quan tâm, lo lắng về các vấn đề của giáo dục, với mong muốn trường học ngày càng tốt đẹp, học sinh được phát triển, hướng tới ngôi trường hạnh phúc, Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp thu, tiếp nhận đầy đủ các ý kiến, đồng thời sẽ bàn thảo, lấy ý kiến thêm để hình thành chính sách, chỉ đạo thực thi.

Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội thảo

Với mong muốn góp thêm một góc nhìn về văn hóa học đường, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, văn hóa học đường là bao gồm các thành tố, các hoạt động của trường học, cùng các yếu tố liên quan nhưng cốt lõi là hệ thống các chuẩn và hệ các giá trị, trong đó bao gồm quy tắc ứng xử trong hoạt động dạy, học và các quan hệ ứng xử khác, khi những điều đó đạt tới chuẩn mực và các giá trị được xác định thì lúc đó đạt tới giá trị của văn hóa.

“Văn hóa học đường không phải bên ngoài đặt vào trong trường học mà chính là những gì đang diễn ra trong trường học, đang được sử dụng để vận hành nhà trường - khi đạt tới chuẩn và các giá trị thì đó là văn hóa học đường. Trong nhà trường hoạt động quan trọng nhất là dạy và học, quan hệ quan trọng nhất là quan hệ giữa thầy và trò, các giá trị có thể khái quát nhất chính là chân - thiện - mỹ”, Bộ trưởng nói.

Từ cách nhìn nhận như vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, cách tiếp cận văn hóa học đường cần tổng thể và toàn diện, nhưng từ tổng thể cần xác định được những yếu tố cốt lõi, để khi ban hành chính sách tác động tới yếu tố đó. Trong đó, một trong những chính sách cần hoàn thiện và chỉ đạo thực thi thật tốt là làm cho cán bộ quản lý, giáo viên, người học sẵn sàng tinh thần thực thi pháp luật và tuân thủ nguyên tắc.

“Với một giá trị rộng lớn như văn hóa nếu không tìm chỗ dựa để triển khai sẽ rất khó, cho nên điều đầu tiên là nhà trường, thầy trò cần củng cố và làm thật tốt yếu tố tuân thủ pháp luật, tuân thủ các nguyên tắc, hoàn thiện và triển khai tốt bộ quy tắc ứng xử trong trường học, các chuẩn về đạo đức của nhà giáo, chuẩn trường học, có như vậy mới rõ ràng để thực thi, có tiêu chí để hành động, có chỗ để thưởng phạt, khen chê. Làm tốt được những phương diện này cũng sẽ làm ngay ngắn được trường học. Trường học ngay ngắn, thầy ra thầy, trò ra trò mới có thể nói tới các giá trị khác được”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhận định.

Chủ nhiệm Ủy ban VHGD của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu bế mạc Hội thảo

Nhìn lại những việc đã làm được trong giai đoạn vừa qua về xây dựng văn hóa học đường, Bộ trưởng cho rằng đã có những việc làm được, nhưng cũng còn nhiều việc phải tiếp tục làm. Trong đó, bao gồm rà soát hệ thống các văn bản, quy định; triển khai mạnh mẽ tự chủ trong giáo dục; đồng thời quan tâm cải thiện cơ sở vật chất trường học. Bởi khi trường học quá nghèo, lớp học tạm bợ, cơ sở vật chất thiếu thốn, đường đến trường của thầy cô còn khó khăn thì việc triển khai văn hóa học đường sẽ không dễ dàng.

“Văn hóa học đường là vấn đề rất lớn, rất hệ trọng, rất nhiều việc phải làm phía trước. Trường học không phải là ốc đảo tách biệt, văn hóa học đường là một phần của văn hóa quốc gia, xã hội. Cho nên gây dựng, phát triển văn hóa học đường trước hết bắt đầu từ thầy và trò trong nhà trường nhưng có thành công hay không là chuyện của tất cả”, Bộ trưởng nêu rõ.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban VHGD Nguyễn Đắc Vinh khẳng định, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Hội thảo buộc phải chuyển từ hình thức tổ chức trực tiếp sang tổ chức kết hợp trực tiếp và trực tuyến, song Hội thảo vẫn nhận được rất nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo... Những ý tưởng, đề xuất, kiến nghị của đại biểu sẽ được Ban nội dung của Hội thảo tổng hợp, chuyển tới các cơ quan có thẩm quyền làm cơ sở cho xây dựng chiến lược, hoạch định chính sách về giáo dục và đào tạo nói chung, văn hóa học đường nói riêng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo, góp phần phát triển đất nước trong trong giai đoạn mới.

Nguồn tin: Trung tâm Truyền thông Giáo dục

Bạn đang đọc bài viết Hội thảo Giáo dục Việt Nam 2021: Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo tại chuyên mục Hội thảo khoa học của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19