Nhà tâm lý học hàng đầu nước Đức bị cáo buộc ngụy tạo dữ liệu

Ông Hans-Ulrich Wittchen, nhà tâm lý học hàng đầu của nước Đức, đang đứng trước nguy cơ bị Trường đại học tổng hợp Kỹ thuật Dresden (TU Dresden – Đức) trừng phạt trước cáo buộc ngụy tạo số liệu trong nghiên cứu.

Hans-Ulrich Wittchen được biết đến là một chuyên gia điều trị chứng rối loạn lo âu và là người không ngại ngần trong việc quảng bá bản thân. Bằng chứng rõ ràng nhất là ở phần chữ ký email của Wittchen đã nêu rằng ông là một “nhà nghiên cứu có trích dẫn cao”. Theo Web of Science, ông có gần 1000 bài báo mang tên mình với gần 70.000 trích dẫn. Bên cạnh đó, ông còn là biên tập viên cuốn kinh thánh trong lĩnh vực tâm lý học lâm sàng - “Germany’s diagnostic and statistical manual of mental disorders”, đồng thời điều hành một Viện nghiên cứu tâm lý học tại Đại học Công nghệ Dresden (TU Dresden) đến năm 2017.

Tuy nhiên, danh tiếng của ông đã bị giảm sút nghiêm trọng sau khi một cuộc điều tra về một trong những nghiên cứu của ông đã tìm thấy bằng chứng của việc thao túng dữ liệu cùng các nỗ lực công phu nhằm che đậy hành vi sai trái này. Theo đó, nghiên cứu bị điều tra là một cuộc khảo sát quy mô lớn tại gần 100 cơ sở điều trị bệnh tâm thần trên khắp nước Đức với ngân sách thực hiện lên tới 2,4 triệu Euro do ông Wittchen làm trưởng nhóm nghiên cứu. Dự án tập trung phân tích để tìm hiểu tình trạng quá tải trong công việc của nhân viên thuộc hệ thống này, từ đó tư vấn chính phủ Đức cải thiện tình hình.

Thế nhưng từ tháng 2/2019, truyền thông Đức bắt đầu đưa tin về những cáo buộc đến từ những người tố giác làm việc trong dự án khảo sát rằng dữ liệu nghiên cứu là bịa đặt. Trường TU Dresden đã mở một cuộc điều tra chính thức do giáo sư luật Hans-Heinrich Trute dẫn đầu.

Sau 2 năm tiến hành điều tra, Ủy ban điều tra của Trường TU Dresden đã có báo cáo cuối cùng và phát hiện ra rằng chỉ có 73 trong tổng số 93 cơ sở điều trị tâm thần thực sự được khảo sát. Bản báo cáo cho biết, đối với những cơ sở còn lại, Wittchen đã chỉ đạo các nghiên cứu viên sao chép dữ liệu từ cơ sở này và áp dụng chúng cho các cơ sở khác. “Những vi phạm là cố ý chứ không đơn thuần là do cẩu thả”, báo cáo cho biết.

Trong cuộc nói chuyện với Science, Wittchen nói rằng ông sẽ không trả lời các câu hỏi quá chi tiết “bởi vì chúng liên quan đến các thủ tục pháp lý”. Tuy nhiên, ông vẫn phủ nhận bất kỳ hành vi sai trái và nói rằng nghiên cứu mà ông thức hiện là “đúng đắn về mặt khoa học”.

Báo cáo điều tra cũng cho thấy Wittchen đã tìm cách trốn tránh hậu quả. Cụ thể, tháng 4/2019, ông đã gửi một email đến giáo sư Hans Müller-Steinhagen, Chủ tịch Trường TU Dresden để cảnh báo rằng “hãy tránh xa nghiên cứu này” với hàm ý đe dọa và thúc ép nhóm công tác dừng việc điều tra không sẽ xảy ra một “chấn động chính trị cấp quốc gia”. “Tôi muốn một lần nữa đích thân và bí mật cảnh báo anh rằng anh đang đối mặt với một rủi ro cực kì lớn,” Wittchen viết trong email. Ngoài ra, hai thành viên khác của Uỷ ban điều tra cũng nhận được những sức ép tương tự từ Wittchen.

Ngoài ra, các nhà điều tra đã tìm thấy dấu hiệu cho thấy Wittchen nguỵ tạo các tài liệu để che giấu sai lầm của mình, từ slide thuyết trình đến email và thậm chí cả chữ ký. “Nếu những phát hiện trên được xác nhận thì chúng sẽ trở thành bằng chứng chính thức để tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của ông ta”, báo cáo viết.

Vân An lược dịch

Nguồn 

Hristio Boytchev. (2021). Top German psychologist fabricated data, investigation finds. Science.

Ghi chú: Những quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Nhà tâm lý học hàng đầu nước Đức bị cáo buộc ngụy tạo dữ liệu tại chuyên mục Tin tức, sự kiện của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19