Tìm câu trả lời cho triết lý giáo dục Việt Nam

“Triết lý giáo dục Việt Nam” là gì?” là câu hỏi rất “nóng” thời gian gần đây. Việc đặt ra đề tài “TLGD Việt Nam - từ truyền thống đến hiện đại” trong khuôn khổ Chương trình Khoa học giáo dục cấp quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 là một cố gắng quan trọng nhằm đi tìm câu trả lời một cách căn cơ cho vấn đề lý luận quan trọng này.

Triết lý giáo dục phải xây dựng trên nền tảng từ truyền thống đến hiện tại để hướng tới tương laiTriết lý giáo dục phải xây dựng trên nền tảng từ truyền thống đến hiện tại để hướng tới tương lai

Báo GD&TĐ đã phỏng vấn GS.TSKH Trần Ngọc Thêm xung quanh vấn đề Triết lý giáo dục (TLGD) Việt Nam truyền thống, sự biến động của TLGD Việt Nam truyền thống và ảnh hưởng của nó đến thực trạng giáo dục Việt Nam hiện nay.

* Thưa GS, nhóm nghiên cứu dựa vào cơ sở lý luận nào để nhận diện TLGD?

- Triết lý luôn gắn với một lĩnh vực hoạt động. Chúng ta thường nói: Triết lý sống, triết lý ứng xử, triết lý kinh doanh, TLGD... Một cách khái quát và đơn giản, triết lý có thể hiểu là tinh thần chủ đạo, là tư tưởng cốt lõi của hoạt động mà chủ thể hoạt động ấy đề ra. Như vậy, TLGD sẽ là tinh thần chủ đạo của giáo dục, là định hướng vận hành của hoạt động giáo dục. Ở mức chung nhất, TLGD phải trả lời câu hỏi hoạt động dạy - học nhằm mục đích gì, nền giáo dục muốn đào tạo ra con người như thế nào.

Ở các ngôn ngữ phương Tây không có khái niệm “triết lý” nói chung và “TLGD” nói riêng, họ chỉ có một khái niệm “triết học giáo dục” thể hiện bằng thuật ngữ “philosophy of education” (và những biến thể của nó). Hiện nay, trong văn hóa của các tổ chức ở phương Tây (trường học, công ty...) sử dụng các khái niệm tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi làm bộ công cụ để nhận diện đơn vị mình; bộ công cụ này hiện nay đã được áp dụng tại các công ty, trường học ở Việt Nam và gần như toàn thế giới, nó khá gần với “triết lý” nhưng cũng không đồng nhất với triết lý. Trong các tài liệu học thuật bằng tiếng Hoa, tiếng Hàn hiện nay cũng chỉ sử dụng khái niệm “triết học giáo dục” mà không dùng khái niệm TLGD. Trong khi đối với người Việt Nam, “triết lý” nói chung và “TLGD” nói riêng là những khái niệm rất quen thuộc.

Như vậy, để nhận diện TLGD, điều rất quan trọng là phải phân biệt nó với triết học giáo dục. Chúng tôi nhận thấy cả hai khái niệm này đều có mối liên hệ mật thiết với một khái niệm thứ ba là “tư tưởng giáo dục”. Trong đó tư tưởng là gốc, còn triết lý và triết học phái sinh từ tư tưởng và có thể chuyển hóa lẫn nhau. Cả ba đều (có thể) bắt nguồn từ thực tiễn, trong đó triết lý trực tiếp chỉ đạo và phục vụ thực tiễn. TLGD và triết học giáo dục đều là những tư tưởng giáo dục, nhưng giữa chúng có sự khác biệt về hình thức, nội dung, phạm vi và hiệu quả.

Về hình thức, TLGD phải được trình bày dưới dạng cô đúc, ngắn gọn (trong một từ, cụm từ, câu); trong khi triết học giáo dục được triển khai, diễn giải với độ dài không giới hạn. Về nội dung, điều quan trọng là TLGD phải chỉ ra được các đặc điểm cơ bản của sản phẩm sẽ được đào tạo ra, tức là chỉ ra được mục đích của giáo dục; trong khi triết học giáo dục bàn về tất cả các khía cạnh khái quát của giáo dục. Về phạm vi, TLGD luôn gắn với một bối cảnh chủ thể - không gian - thời gian cụ thể; trong khi triết học giáo dục có phạm vi không giới hạn. Về hiệu quả, TLGD có tác dụng định hướng cho hành động; trong khi triết học giáo dục có mục tiêu định hướng cho việc nhận thức.

Như vậy, TLGD có thể hiểu là tư tưởng giáo dục được trình bày cô đúc, ngắn gọn về mục đích của giáo dục, nhằm đáp ứng các nhu cầu của xã hội trong một bối cảnh chủ thể - không gian - thời gian cụ thể, có tác dụng định hướng hành động.

Xét theo các mối quan hệ cơ bản, TLGD là một TƯ TƯỞNG giáo dục xuất phát từ nhu cầu THỰC TIỄN, tồn tại trên nền tảng của VĂN HÓA, chịu sự chi phối của Ý THỨC HỆ, hướng đến LÝ TƯỞNG, là cơ sở xác lập và chỉ đạo CÁC NGUYÊN LÝ THỰC HÀNH.

Trong TLGD lại cần phân biệt TLGD tổng thể với TLGD của từng giai đoạn, từng bộ phận, từng bình diện. Cần phân biệt TLGD theo quan niệm của nhà quản lý (và người dạy) hay TLGD theo quan niệm của người học, của xã hội? Trong trường hợp nói đến TLGD của cùng một chủ thể thì điều rất quan trọng là cần phân biệt TLGD của chủ thể đó thể hiện trên lời nói (trong các tuyên bố, các văn bản, thường là lý tưởng) với TLGD trong nhận thức (suy nghĩ) và trên thực tế (qua hành động, việc làm); ba lĩnh vực này trong nhiều trường hợp rất khác xa nhau. Đó chỉ là vài nét phác thảo ban đầu ở mức khái quát nhất, đi sâu vào còn có rất nhiều vấn đề phức tạp mà nhóm chúng tôi đang tiếp tục mổ xẻ và trao đổi.

Giáo sư Trần Ngọc ThêmGS.TSKH Trần Ngọc Thêm

* Với những nét phác thảo ban đầu về cơ sở lý luận như vừa nêu, GS có thể cho biết nhóm nghiên cứu đã có nhận định gì về TLGD Việt Nam truyền thống?

- “Truyền thống” là khái niệm dùng để chỉ giai đoạn quá khứ, đối lập với “hiện tại” và “tương lai”. Nếu tạm gác lại nền giáo dục dân tộc thời kỳ văn minh Đông Sơn và thời chống Bắc thuộc là giai đoạn ta không có đủ thông tin thì nền giáo dục Việt Nam truyền thống có thể lấy mốc là giai đoạn khởi đầu từ thời Lý - Trần đến khi hình thành nước Việt Nam mới; giai đoạn này bao gồm hai thời kỳ là truyền thống Nho học và truyền thống Tây học. Việc đầu tiên có thể làm là rà soát lại các tư tưởng giáo dục đã được biết đến về giai đoạn này.

Để có thể được chấp nhận là TLGD Việt Nam truyền thống, một tư tưởng giáo dục, ngoài việc đáp ứng đủ các tiêu chí của khái niệm TLGD nói chung, sẽ còn phải đủ khái quát để phù hợp cho cả một giai đoạn dài này và đủ cụ thể để đáp ứng những nhu cầu mà bối cảnh chủ thể - không gian - thời gian cụ thể của Việt Nam trong giai đoạn đó đòi hỏi.

Trong xã hội Việt Nam thời phong kiến với nền tảng văn hóa Nho giáo, tư tưởng giáo dục chủ đạo phổ biến hơn cả là “học để làm quan”, nó có thể xem là TLGD đại diện. Tư tưởng này thể hiện được cả hai mục tiêu nghề nghiệp và danh lợi; “Học để vinh thân phì gia” mang sắc thái thực dụng rõ nét và chỉ thể hiện được một mục tiêu bộ phận là danh lợi nên không phổ biến. “Học để làm quan” cũng là tư tưởng giáo dục chung cho cả người dạy lẫn người học. Để được làm quan thì phải thi cử; việc thi cử và làm quan cần kiến thức gì thì người xưa chỉ tập trung dạy và học đúng những kiến thức đó. “Từ chương”, “khoa cử” là những khái niệm thể hiện các biện pháp giáo dục hướng đến thi cử này.

Làm quan trong một xã hội cần ổn định hơn là phát triển thì việc học “lễ nghĩa” quan trọng hơn là tri thức. “Tiên học lễ, hậu học văn” là tư tưởng phản ánh thứ tự ưu tiên giữa hai thành tố bộ phận này. “Không thầy đố mày làm nên”, “Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy” là những tư tưởng thể hiện vai trò của thầy trong phương pháp giáo dục để đạt tới mục tiêu cụ thể là thi đỗ làm quan (chứ không phải trở thành những con người sáng tạo đưa xã hội tiến lên).

Trong xã hội Việt Nam thời thực dân, TLGD của chính quyền cai trị được thay đổi từ “học để làm quan” sang “học để làm công chức phục vụ chính quyền thuộc địa”, nghĩa là về bản chất không thay đổi. Còn nhìn từ lực lượng trí thức yêu nước và đại bộ phận dân chúng thì tư tưởng “giáo dục yêu nước” thể hiện mục tiêu giành độc lập dân tộc của có thể xem là TLGD chủ đạo, nhưng là TLGD bộ phận của một giai đoạn ngắn. Các tư tưởng “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, “Khoa học, dân tộc, đại chúng”... thể hiện những mục tiêu và biện pháp cụ thể của TLGD yêu nước này. Khi giành được độc lập, TLGD bộ phận này đã bị vượt qua.

* Thế còn TLGD Việt Nam trong giai đoạn hiện tại?

Giai đoạn hiện tại đích thực là giai đoạn từ đổi mới đến nay. Giai đoạn từ khi hình thành nước Việt Nam mới đến trước thời đổi mới có thể xem là giai đoạn trung gian chuyển tiếp. Chính vì tính chất trung gian nên trong giai đoạn chuyển tiếp này có rất nhiều tư tưởng giáo dục được nhắc đến, việc xác định tư tưởng nào có thể trở thành TLGD đại diện trở nên rất khó khăn và phức tạp.

Ngay sau khi đất nước vừa giành được độc lập, có tư tưởng giáo dục phổ biến lúc bấy giờ là “Xây dựng một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam”; tư tưởng này hướng đến việc tạo lập một thế đứng chứ không nêu ra mục đích của giáo dục; do vậy, đây không phải là TLGD.

Tư tưởng “Thực học thực nghiệp” nêu ra từ thời Đông kinh nghĩa thục được tái hiện dưới nhiều biến thể: “Kết hợp lý luận với thực tế”; “Học đi đôi với hành”; “Giáo dục kết hợp với lao động sản xuất”… Tư tưởng này thể hiện một mục tiêu bộ phận, nhằm khắc phục bệnh sĩ diện, thói khoa trương, nói không đi đôi với làm… do tính cộng đồng trong văn hóa truyền thống của người Việt sinh ra. Tư tưởng “kết hợp nhà trường với gia đình, xã hội” cũng thể hiện một mục tiêu bộ phận, đơn lẻ, nhằm khắc phục bệnh cục bộ, thiếu tinh thần hợp tác, hay đùn đẩy trách nhiệm cho nhau… cũng do tính cộng đồng sinh ra. Các tư tưởng “Học mãi để tiến bộ mãi”, “Học suốt đời”, “Xây dựng xã hội học tập” thể hiện yêu cầu về cách thức giáo dục liên tục trong thời gian và không gian. Những tư tưởng này đều đúng và cần, nhưng chưa đủ khái quát để trở thành TLGD chung trên thực tế cho cả giai đoạn hiện tại.

Đề tài “TLGD Việt Nam - từ truyền thống đến hiện đại” được tổ chức nghiên cứu bởi tập thể các nhà khoa học đến từ nhiều trường, viện trong cả nước, do GS.TSKH Trần Ngọc Thêm làm chủ nhiệm đề tài; Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP Hồ Chí Minh là cơ quan chủ trì đề tài. Đề tài dự kiến trả lời 3 câu hỏi: 1. Về TLGD và việc nhận diện TLGD; 2. Về TLGD Việt Nam truyền thống và sự biến động của nó; 3. Về TLGD Việt Nam mới và những chính sách, giải pháp để hiện thực hóa nó.

Bên cạnh các tư tưởng thể hiện những nội dung bộ phận, chi tiết thì lại có những tư tưởng thể hiện những nội dung quá khái quát, chung chung. Tư tưởng “Dạy tốt, học tốt” thể hiện một nội dung quá chung chung về phương pháp giáo dục, không nêu ra được mục tiêu là đào tạo con người như thế nào nên không phải là TLGD. Tư tưởng “Nhân bản, dân tộc, khai phóng” của giáo dục miền Nam trước 1975 thể hiện những yêu cầu về mục đích mà nền giáo dục cần hướng tới, nhưng chưa được thực hiện trên thực tế. Các tư tưởng “Vừa hồng vừa chuyên”, “Giáo dục toàn diện đức, trí, văn, thể, mỹ” của giáo dục miền Bắc trước đây và Việt Nam hiện nay; tư tưởng “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tồn tại” của UNESCO hiện nay đều đúng và đáp ứng các yêu cầu mà khái niệm TLGD đòi hỏi.

Tuy nhiên, những TLGD với mục tiêu giáo dục toàn diện hay giáo dục để thích ứng với cuộc sống luôn biến đổi như vậy thì dù là của Việt Nam hay của UNESCO nêu ra cũng đều là những TLGD tổng quát. Trong không gian, chúng đúng cho không chỉ Việt Nam, mà cả thế giới; trong thời gian, chúng đúng cho không chỉ cho bây giờ, mà cả mai sau. Chúng không nhằm vào việc đáp ứng những yêu cầu thực tiễn cụ thể của giáo dục Việt Nam hiện nay nên không phải là TLGD Việt Nam trong giai đoạn hiện tại.

Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, trên thực chất, tuyệt đại bộ phận người Việt Nam xưa nay đều mong muốn con em mình đáp ứng hai yêu cầu quan trọng nhất là “ngoan/ hiền” và “giỏi/ khôn”. “Ngoan/ hiền” là yêu cầu về giáo dục phẩm chất, “giỏi/ khôn” là yêu cầu về giáo dục năng lực, trí tuệ. Trong cuộc sống, “ngoan” và “khôn” là một cặp thường đi liền với nhau (Gái ngoan lấy được chồng khôn\ Như lọ vàng cốm để chôn đầu giường; từ ghép “khôn ngoan”); trong giáo dục thì cặp từ thường đi liền với nhau là “ngoan” và “giỏi” (thành ngữ “Con ngoan trò giỏi”).

Tư tưởng “Con ngoan trò giỏi” vừa đáp ứng tất cả các yêu cầu của khái niệm TLGD, vừa cho thấy những mục tiêu mong đợi cơ bản của kết quả giáo dục một cách rất cụ thể, rõ ràng theo nguyện vọng của phần đông người Việt Nam từ truyền thống đến hiện tại. Chúng là những mục tiêu lý tưởng của một xã hội nông nghiệp trên nền tảng của một nền văn hóa làng xã âm tính ưa ổn định với tinh thần cộng đồng đậm nét. Con ngoan là mục tiêu về phẩm chất, giúp tạo nên những con người biết tuân thủ, hình thành một cộng đồng có tính đồng nhất cao. Trò giỏi (thường được hiểu là thuộc bài, ở mức cao hơn là nhanh trí khôn, giỏi biến báo) là mục tiêu về năng lực, giúp tạo nên những con người có khả năng tiếp thu, vận dụng.

Những mục tiêu lý tưởng này đã được hiện thực hóa trên thực tế giáo dục ở Việt Nam trong cả giai đoạn truyền thống và chuyển tiếp và về cơ bản vẫn còn đúng cho ngày nay. Một nghiên cứu về sự lựa chọn giá trị gia đình ở một vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội năm 2016 do chúng tôi hướng dẫn cho thấy: “Con cái chăm ngoan học giỏi” được xem là giá trị đứng đầu trong tất cả mọi giá trị (chiếm 96,1%). Trong việc giáo dục các giá trị gia đình truyền thống, người dân ở đây quan tâm hàng đầu là việc giáo dục cho con cháu các giá trị: “Chăm chỉ học hành” (96,3%), “Tôn kính người trên” (85,3%) và “Ăn nói lễ phép” (81,9%). Do vậy, có thể đi đến kết luận rằng tư tưởng “Con ngoan trò giỏi” chính là TLGD đã thực sự tồn tại cả trong tư tưởng, trong lời ăn tiếng nói thường ngày, lẫn trên thực tế hành động của người dân từ truyền thống đến hiện tại.

* GS đánh giá thế nào về sự biến động TLGD Việt Nam truyền thống và ảnh hưởng của nó đến thực trạng giáo dục Việt Nam hiện nay?

Trong suốt lịch sử cho đến trước đổi mới, giá trị chủ đạo của xã hội Việt Nam là hướng đến ổn định, cho nên “con ngoan trò giỏi” đã trở thành TLGD bao trùm. Mọi thành công của Việt Nam trong lịch sử dựng nước và giữ nước có được đều nhờ văn hóa âm tính - cộng đồng và TLGD “con ngoan trò giỏi” tạo nên.

Hiện nay, bối cảnh đã thay đổi, giá trị nền tảng cũng đã thay đổi (từ ưa ổn định sang cần phát triển), nên văn hóa âm tính - cộng đồng và TLGD “con ngoan trò giỏi” đang trở thành một thứ “trần thủy tinh” cản trở sự phát triển. Mọi nghịch lý, mâu thuẫn về giáo dục mà chúng ta đang gặp phải qua nhiều lần cải cách cũng có nguồn gốc từ đây. Mọi cố gắng, đều sẽ trở nên vô ích nếu không bắt đầu từ việc thay đổi TLGD này.

* Xin cảm ơn GS về cuộc trao đổi!

Theo Giáo dục và Thời đại

Bạn đang đọc bài viết Tìm câu trả lời cho triết lý giáo dục Việt Nam tại chuyên mục Văn hóa & Giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19